Điểm tin văn bản mới nổi bật tuần 20 Năm 2022 (Từ ngày 09/5 đến ngày 15/5/2022):

Thứ hai - 16/05/2022 19:19 63
  1. Bổ sung đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
Ngày 09/5/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Theo đó, có 03 đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm:
- Cây trồng: Cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê. (Bổ sung cao su, hồ tiêu, điều, cà phê)
- Vật nuôi: Trâu, bò, lợn. (Bổ sung lợn)
- Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. (Bổ sung cá tra)
Bên cạnh đó, quy định địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm:
- Đối với cây trồng:
+ Đối với cây lúa, tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.
+ Đối với cây cao su, tại các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
+ Đối với cây cà phê, tại các tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
+ Đối với cây hồ tiêu, tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
+ Đối với cây điều, tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai.
- Đối với vật nuôi:
+ Đối với trâu, bò, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.
+ Đối với lợn, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.
- Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Quyết định 13/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025 và thay thế Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019, Quyết định 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/01/2021.
  1. Sẽ có cơ chế thu hút nhân lực trình độ cao về KH&CN từ nước ngoài
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược là phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao.
Trong đó, sẽ thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư;
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động,... để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước;
Phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài;
Có chính sách đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc;
Tháo gỡ các chính sách để tạo thuận lợi cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thường xuyên tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Quyết định 569/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
  1. Hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC cho HSSV
Ngày 11/5/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên (HSSV) trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ như sau:
- Đối với giáo dục mầm non:
+ Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
+ Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên:
+ Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa.
+ Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
- Đối với giáo dục đại học:
+ Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa.
+ Phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 26/6/2022.
  1. Nhà thuốc bán lẻ không được bán nước sát khuẩn chứa cồn công nghiệp
Đây là nội dung tại Công văn 2377/BYT-QLD ngày 10/5/2022 về tăng cường quản lý đối với sản phẩm chứa Methanol (cồn công nghiệp) được mua, bán tại các cơ sở kinh doanh dược do Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 nhu cầu sử dụng về sản phẩm sát khuẩn trong y tế cao, Bộ Y tế đề nghị:
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng các sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay, phân biệt Methanol và sản phẩm ngoài da, sát khuẩn tay;
+ Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế thực hiện kiểm tra đầy đủ thông tin về thành phần, nhãn mác trước khi mua, bán sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.
Hướng dẫn cụ thể, đầy đủ cho người mua, bệnh nhân về các lưu ý, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay;
+ Tăng cường kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở bán lẻ thuốc, đảm bảo việc cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh, bày bán các sản phẩm có chứa Methanol.
+ Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, ban thuộc Sở và các cơ quan chức năng trên địa bàn như Sở Công Thương, Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh có mua, bán Methanol mà giấy đăng ký kinh doanh không có phạm vi kinh doanh hóa chất và không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất hoặc có các giấy phép nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về quản lý hóa chất và các quy định khác có liên quan.
- Các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế:
+ Kiểm tra nhãn mác sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế trước khi kinh doanh, phân biệt rõ và tránh nhầm lẫn giữa Methanol với sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay;
Không kinh doanh các sản phẩm sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế khi phát hiện thành phần sản phẩm có chứa Methanol;
- Các cơ sở có phạm vi kinh doanh hóa chất và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất phải tuân thủ đầy đủ các quy định về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, phân loại, ghi nhãn, lập hồ sơ khi kinh doanh Methanol, hỗn hợp có chứa Methanol.
Hướng dẫn đầy đủ cho người mua về mục đích sử dụng của Methanol khi có kinh doanh hóa chất này.
Chi tiết tại Công văn 2377/BYT-QLD ngày 10/5/2022.

Nguồn tin: Đức Trọng (TH):

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,914
  • Tháng hiện tại120,087
  • Tổng lượt truy cập2,981,087
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây