- Các bước chuẩn bị trong quy trình thi hành kỷ luật đảng
Đây là nội dung tại Quyết định 89-QĐ/TW về ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp uỷ tỉnh và tương đương đến cơ sở.
Theo đó, quy trình thi hành kỷ luật đảng của cấp uỷ tỉnh và tương đương đến cơ sở bao gồm 03 bước: Bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc.
Trong đó, bước chuẩn bị gồm các công việc sau:
- Thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch thi hành kỷ luật:
+ Căn cứ kết luận kiểm tra của tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc đề nghị thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới, kết quả nắm tình hình, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp uỷ giao UBKT hoặc cơ quan, đơn vị giúp việc cấp uỷ tham mưu thành lập đoàn kiểm tra thi hành kỷ luật; kế hoạch thi hành kỷ luật với đối tượng vi phạm.
+ Thường trực cấp ủy ký, ban hành quyết định, kế hoạch thi hành kỷ luật. Trưởng đoàn kiểm tra là cấp uỷ viên do ban thường vụ phân công, nơi không có ban thường vụ thì cấp uỷ phân công (đối với cấp cơ sở và tương đương: Trưởng đoàn có thể là lãnh đạo các đơn vị hoặc đảng viên được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cấp uỷ).
Đoàn kiểm tra được sử dụng con dấu của cấp uỷ để thực hiện nhiệm vụ.
- Đoàn kiểm tra xây dựng đề cương báo cáo yêu cầu đối tượng vi phạm kiểm điểm; lịch làm việc của đoàn và phân công nhiệm vụ từng thành viên trong đoàn; chuẩn bị các văn bản, tài liệu liên quan.
- Văn phòng cấp uỷ bảo đảm điều kiện cần thiết, kinh phí, phương tiện phục vụ đoàn thực hiện nhiệm vụ theo quy định (nếu có).
Chi tiết tại Quyết định 89-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.
- Quy định về vị trí pháp lý của trường đào tạo, bồi dưỡng
Ngày 12/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (trường đào tạo, bồi dưỡng).
Theo đó, trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
- Trường của cơ quan nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
- Trường của tổ chức chính trị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Trường của tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
- Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.
Nghị định 103/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 và thay thế Nghị định 125/2011/NĐ-CP./.
- Chế độ báo cáo định kỳ trong công tác văn hóa, thể thao, du lịch
Thông tư 14/2022/TT-BVHTTDL ngày 14/12/2022 quy định về chế độ báo cáo và quản lý, sử dụng, khai thác Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó, quy định các chế độ báo cáo định kỳ như sau:
- Báo cáo công tác văn hóa, thể thao và du lịch (hoặc Báo cáo công tác) tháng, quý, 6 tháng, năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng liền kề, quý liền kề, 6 tháng cuối năm, năm liền kề.
- Báo cáo kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm.
- Báo cáo về công tác gia đình năm.
- Báo cáo về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan năm.
- Báo cáo định kỳ khác quy định tại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thông tư 14/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 và thay thế Thông tư 14/2019/TT-BVHTTDL./.
- Yêu cầu với người đến thăm gặp phạm nhân trong trại giam quân sự
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ký ban hành Thông tư 89/2022/TT-BQP về Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
Trong đó có quy định đối với người đến thăm gặp phạm nhân tại cơ sở giam giữ trong Quân đội, cụ thể:
- Khi đến cơ sở giam giữ phạm nhân mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự; xuất trình đầy đủ giấy tờ đề nghị thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân; chấp hành nghiêm nội quy nhà thăm gặp và hướng dẫn của cán bộ có trách nhiệm về thời gian, địa điểm tổ chức thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.
- Không tự ý tiếp xúc với phạm nhân; có thái độ, cử chỉ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm uy tín, danh dự của cán bộ thi hành nhiệm vụ hoặc người khác; xúi giục, giúp sức, kích động hoặc dùng thủ đoạn khác để ép buộc phạm nhân hoặc người khác chống đối, vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
- Người của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài khi thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự không cho phạm nhân sử dụng điện thoại, thiết bị thông tin liên lạc, ghi âm, ghi hình;
Không ghi âm, ghi hình khi thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; không ghi âm, ghi hình tại cơ sở giam giữ phạm nhân và nơi có biển cấm quay phim, chụp ảnh; lợi dụng thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự để lôi kéo, tụ tập, có lời nói, hành động hoặc dùng băng rôn, khẩu hiệu, tài liệu có nội dung tuyên truyền, kích động gây mất an ninh, trật tự.
- Người đến thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân có quyền góp ý, kiến nghị, phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của cơ sở giam giữ phạm nhân.
Thông tư 89/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 25/01/2023 và thay thế Thông tư 132/2012/TT-BQP ngày 07/12/2012.