- Giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả
Ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Theo đó, để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
(1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
(2) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
(3) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia.
(4) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.
(5) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
(6) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
(7) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện theo lĩnh vực được giao quản lý để triển khai, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tiếp theo, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chi tiết tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023.
- Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Ngày 16/5/2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Theo đó, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng gồm 03 bước sau:
Bước 1: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
- Thu thập và đánh giá bằng chứng.
- Thảo luận và xử lý ở Tổ kiểm toán.
- Trưởng đoàn kiểm toán kiểm tra, soát xét, đánh giá bằng chứng kiểm toán và xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Bước 2: Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
- Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
- Kiểm toán nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
- Tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
- Báo cáo kết quả xác minh.
- Thẩm định Báo cáo kết quả xác minh.
Bước 3: Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
- Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
- Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm và thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Kiểm toán Nhà nước.
Các trường hợp kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
- Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán Nhà nước.
- Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung.
- Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp cận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.
Chi tiết tại Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2023.
- Thủ tục sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công
Thủ tục sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công là nội dung đáng chú ý tại Quyết định
627/QĐ-LĐTBXH năm 2023 công bố TTHC sửa đổi, bổ sung về lĩnh vực người có công thuộc phạm vi quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.
Theo đó, quy trình, thủ tục sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công được thực hiện như sau:
(1) Trình tự thực hiện:
- Bước 1: Người có công; thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; thân nhân của người có công đã từ trần nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công cho Sở LĐ-TB&XH nơi quản lý hồ sơ của người có công.
- Bước 2: Sở LĐ-TB&XH trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin và có văn bản kèm giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 130 Nghị định
131/2021/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định
104/2022/NĐ-CP ) và bản sao giấy tờ đề nghị được sửa đổi, bổ sung thông tin gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Bước 3: Sở LĐ-TB&XH trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được văn bản sửa đổi, bổ sung thông tin của cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ người có công theo Mẫu số 75 Phụ lục I Nghị định
131/2021/NĐ-CP và gửi thông báo điều chỉnh thông tin đến Bộ LĐ-TB&XH.
(2) Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đề nghị theo Mẫu số 26 Phụ lục I Nghị định
131/2021/NĐ-CP .
- Bản sao có chứng thực từ các giấy tờ sau:
+ Đối với người có công: căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân.
+ Đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, thân nhân của người có công đã từ trần: căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân.
(3) Thời hạn giải quyết: 24 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ (Thời gian cụ thể được quy định tại từng bước của quy trình thực hiện).
Chi tiết tại Quyết định
627/QĐ-LĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 12/5/2023
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):