Bàn về vai trò của giáo dục gia đình trong công tác đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục

Thứ sáu - 30/09/2016 22:17
Năm học 2016 – 2017 là năm thứ 3 ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29 -NQ/TW, ngày 4/11/2013 Hội nghị TW 8 (khóa XI) và là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp với những định hướng cụ thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó xác định  mục tiêu tổng quát là “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”; thực hiện tốt phương châm mới: Dạy người, dạy chữ và dạy nghề (trước đây là dạy chữ, dạy người, dạy nghề). Đây là vấn đề mang tính tất yếu khách quan, là nhiệm vụ cấp thiết, phù hợp với xu thế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu đổi mới đó, giáo dục trong gia đình có vai trò như thế nào đối với nhiệm vụ giáo dục con người phát triển toàn diện.

Trước tiên, chúng ta cần phải khẳng định rằng gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người. Chính vì thế giáo dục gia đình rất quan trọng đối với mỗi con người, khi con người chưa có hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình. Tại trường học đầu tiên và đặc biệt này, mỗi chúng ta chịu những tác động và  ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách cũng như phát triển về thể  lực, trí lực của cá nhân. Giáo dục của gia đình như thế nào sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ như thế ấy. Hay nói một cách khác, giáo dục trong gia đình là nền tảng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của một con người, là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên nhân cách của một con người, một thế hệ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục gia đình, Bác xem gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc.

Một trong những đặc điểm của giáo dục gia đình đó là được thực hiện chủ yếu trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ, anh, chị, em và con cái. Vì thế, những tác động của cha mẹ và người thân về cơ bản sẽ dễ được tiếp nhận hơn. Đây là môi trường và điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với bản thân và đối với mọi người, điều mà các tổ chức giáo dục khác khó có thể hoặc không thể làm được.

Mặt khác, giáo dục gia đình mang tính chất thường xuyên, lâu dài, vừa toàn diện, vừa cụ thể và có hệ thống chặt chẽ từ khi con người được sinh ra, một khi còn sống trong gia đình, thì quá trình này vẫn còn diễn ra và tác động tới mỗi người. Nó đặt cơ sở quyết định cho sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách ở tuổi trưởng thành và khi về già. Một con người phát triển toàn diện phải có thể chất khoẻ mạnh, tinh thần sáng suốt, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn phong phú, tư duy lành mạnh... tất cả những phẩm chất đó đều được hình thành, định hình và vun đắp từ trong gia đình. Điều đó cho thấy giáo dục gia đình mang tính tổng quát, toàn diện. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.


Hình minh họa
Và như chúng ta đã biết, gia đình không phải chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn là nền tảng cho cả xã hội, gia đình có mối quan hệ mật thiết với xã hội, là tế bào của xã hội. Vì thế cần đặt giáo dục gia đình trong hệ thống giáo dục chung của xã hội, phối hợp chặt chẽ với các thiết chế xã hội khác như nhà trường, các tổ chức xã hội… để giáo dục con em với tinh thần chủ động. Bác Hồ khẳng định trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế nhiều kết quả giáo dục. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6-1957, Bác căn dặn “Phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

Từ những vai trò hết sức quan trọng và không thể thay thế đó, trước những yêu cầu cấp thiết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để phát triển con người toàn diện, hơn lúc nào hết công tác giáo dục trong gia đình phải được đặc biệt xem trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và hội đoàn thể các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục gia đình nói riêng và công tác gia đình nói chung đối với sự phát triển chung của xã hội. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ CNH – HĐH đất nước”, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình thực hiện tốt các chức năng cơ bản của thiết chế giáo dục đặc biệt này.

Mỗi gia đình, mỗi bậc làm cha, làm mẹ phải ý thức được cái trách nhiệm, vai trò vô cùng quan trọng không thể thay thế của giáo dục gia đình trong sự nghiệp giáo dục con người phát triển toàn diện, để từ đó cần chủ động trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng phù hợp trước yêu cầu phát triển của xã hội để có những cái nhìn đúng đắn, phát huy tính mềm dẻo, sáng tạo trong giáo dục con cái, làm cho gia đình  thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, giáo dục gia đình phải cùng với giáo dục trong nhà trường và xã hội bổ sung lẫn nhau để hướng đến giáo dục con người phát triển toàn diện.  

Tác giả bài viết: Lan Anh
Nguồn tin: baochinhphu.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay810
  • Tháng hiện tại211,729
  • Tổng lượt truy cập10,118,746
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây