“Phú Riềng Đỏ” tô thắm trang sử vàng dân tộc

Ngày 28-10 hằng năm là ngày truyền thống của đội ngũ những người công nhân cao su Việt Nam. Đó cũng là ngày in dấu ấn lịch sử không thể quên của nhân dân Bình Phước với sự kiện chi bộ Đảng đầu tiên mang tên “Phú Riềng Đỏ” được thành lập. 84 năm đã đi qua (28-10-1929 - 28-10-2013), Phú Riềng Đỏ là một địa danh lịch sử trên đất nước ta đã góp phần tô thắm thêm truyền thống đấu tranh giữ nước. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào trong những trang sử vàng của Bình Phước và dân tộc Việt Nam.
Tượng đài Phú Riềng Đỏ (di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia) tại xã Thuận Phú (Đồng Phú) - Ảnh: C.T

Tượng đài Phú Riềng Đỏ (di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia) tại xã Thuận Phú (Đồng Phú) - Ảnh: C.T
Trong quá trình phát triển các đồn điền cao su của tư bản Pháp, dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, bọn chủ Tây đã bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn sức lao động của những người công nhân cao su Việt Nam. Lúc bấy giờ người ta thường ví đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống. Công nhân cao su Phú Riềng hồi đó có câu vè: “Lỡ lầm vào đất cao su/ Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”. Tuy vậy, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy đã thể hiện rất rõ ở đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam ngay từ khi mới ra đời.

Đêm 28-10-1929, bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng sau lưng Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng (thuộc địa bàn xã Thuận Lợi, nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú), được sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện của Ban chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17-6-1929) đồng chí Nguyễn Xuân Cừ thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở đồn điền cao su Đông Nam bộ. Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su Việt Nam. Kể từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su đã có một sự biến đổi nhảy vọt về chất. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất của những người phu cao su, thì nay phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng phong phú. Họ đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực về ăn, ở; đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh đập công nhân, yêu cầu điều động bọn xu cai ác ôn đi nơi khác, cho thành lập nghiệp đoàn, hội ái hữu... Nổi bật nhất là cuộc bãi công của gần 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng kéo dài từ sáng mồng Một tết năm Canh Ngọ, tức là ngày 30-1-1930 cho đến ngày 6-2-1930. Chỉ 3 tháng sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Phú Riềng Đỏ, đồng chí Trần Tử Bình đã tổ chức và lãnh đạo công nhân đồn điền cao su Phú Riềng tiến hành bãi công, mít tinh phản đối chính sách bóc lột dã man, tàn ác của bọn chủ Tây. Ngay sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang  của Phú Riềng Đỏ lập tức lan tỏa đến những đồn điền cao su lân cận như: Dầu Tiếng, Quản  Lợi, Lộc Ninh... đồng thời còn có sức ảnh hưởng và động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động cả nước. Và cũng kể từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc.

Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ công nhân cao su Bình Phước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam. 84 năm đã đi qua, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công nhân cao su nói riêng, quân và dân Bình Phước nói chung đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử vàng của vùng quê “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Phú Riềng Đỏ mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành cao su, với truyền thống Phú Riềng Đỏ năm xưa đã có hàng ngàn cán bộ, công nhân không ngừng lao động, học tập, sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su. Hiện nay, họ vẫn đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Tinh thần “Phú Riềng Đỏ” sẽ mãi được hun đúc, là truyền thống, niềm tự hào của ngành cao su và của nhân dân tỉnh Bình Phước anh hùng.        

Trung Lương

  Ý kiến bạn đọc

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập280
  • Hôm nay1,597
  • Tháng hiện tại181,642
  • Tổng lượt truy cập10,088,659
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây