CHÂN DUNG THIẾU TƯỚNG TRẦN TỬ BÌNH – NGƯỜI LÀM NÊN “PHÚ RIỀNG ĐỎ” LỊCH SỬ.

Thứ ba - 02/08/2022 22:11
CHÂN DUNG THIẾU TƯỚNG TRẦN TỬ BÌNH – NGƯỜI LÀM NÊN “PHÚ RIỀNG ĐỎ” LỊCH SỬ.

Từ cậu bé bị đuổi học
Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907 trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên Chúa, tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Gia đình khốn khó nhưng cha mẹ xác định chỉ có con đường học vấn mới giúp con thoát nghèo, vậy là cậu con trai được gởi vào Chủng viện Hoàng Nguyên với nhiều kỳ vọng: “Trước hết là đỡ được một miệng ăn cho gia đình, sau nữa hy vọng con đỗ đạt có chức trong đạo, kiếm tiền cho cha mẹ”.
Không an phận như những học trò khác, cậu không chịu được bất công, ham tìm tòi, lại bướng bỉnh nên luôn nằm trong thành phần bị trách phạt.
Trong Chủng viện cậu thường xuyên được nghe chuyện của các bậc anh hùng trốn ra nước ngoài học, nghe đến “mê cả người”. Những câu chuyện lan truyền đến tai học sinh, kích thích lòng yêu nước, khơi gợi tự hào dân tộc, khiến cho ai nấy đều ôm ấp mộng xuất dương, học thành tài về giúp nước.
Học hành không chăm chỉ lại hay bày trò tập gậy, nhưng những câu chuyện về các vị anh hùng yêu nước cứ nuôi dưỡng bền bỉ tình yêu nước trong lòng cậu. Khi cả nước để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh thì tại Chủng viện, là trường dòng nhưng cậu lại khởi xướng và cầm đầu vụ để tang cụ Phan Chu Trinh. Đây được xem là một tội làm loạn, cái tên Phạm Văn Phu nằm ở vị trí đầu tiên trong 3 học sinh bị đuổi. Ở một làng công giáo toàn tòng, gia đình nào có con em bị đuổi khỏi Chủng viện thì rất khó sống. Nhưng cái việc bị đuổi học không làm cậu buồn phiền thất vọng. Bởi theo cậu “Tôi không làm gì sai. Tình yêu quê hương đất nước luôn được nuôi dưỡng âm ỉ trong lòng dân, hễ gặp thời cơ thuận tiện là bùng lên, lan rộng khắp nơi”.
…đến giác ngộ lý tưởng cách mạng
Ra khỏi Chủng viện, cậu bỡ ngỡ giữa ngã ba đường, về nhà thì nghèo không có cách sống, mà có muốn về cũng không được. Họ hàng, làng xóm, cha mẹ sẽ không để yên. Trong tay không một chút nghề nghiệp, chỉ có một dúm chữ Nôm và La tinh. “Đi đâu bây giờ? Sống bằng cách nào đây?” Bao nhiêu câu hỏi cứ quay mòng mòng trong đầu chàng trai trẻ. Cuối cùng cậu xin vào nhà xứ ở Vĩnh Trị để dạy kinh. Cuộc sống cứ tha thẩn hết làng này sang làng khác, lê thê, bế tắc.
Nhưng rồi, cơ duyên gặp lại người bạn quen thuộc, đọc được nhiều sách báo mới. Nhờ mối lương duyên đó, cậu được gặp ông Tống Văn Trân – Hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Dù chỉ hai lần gặp gỡ nhưng cậu đã thốt lên “Đây chính là con đường mình phải đi”, đó là con đường Công nhân hóa, vận động cách mạng.
Thời điểm bấy giờ là năm 1927, cùng với hàng trăm đồng bào các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, cậu ghi tên vào sổ mộ phu đi làm ở đồn điền cao su Nam Kỳ. Bắt đầu một quãng đời giúp cậu thấu hiểu thế nào là cách mạng, công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng trong thời đại hiện nay. Trên đường đi tàu vào Nam, cậu đã tập hợp mọi người đòi những gì bọn chủ đã hứa, đòi ăn cơm theo đúng tiêu chuẩn. Cậu Phu ngày ấy mới 20 tuổi, vẻ người dễ thương, tính tình chất phác, cương trực, dễ gây cảm tình nên có chuyện gì mọi người cũng mang đến hỏi. Cậu mặc nhiên trở thành đại biểu của anh em phu mộ.
Cậu ngẫm: “Mọi người nói công nhân cao su có tinh thần đấu tranh quyết liệt đến mức một sống một chết, không bao giờ chịu lùi. Điều đó chẳng sai, bởi vì công nhân cao su không những bị bóc lột, chà đạp đến cực độ trong đồn điền cao su mà còn bị bóc lột, chà đạp ngay từ khi còn đang trên đường đi tới những địa ngục trần gian”.
Từ Sở Tân đáo Khánh Hội (Sài Gòn), mộ phu được chia ra đi các đồn điền. 2 ngày ngồi ô tô lắc kinh hoàng, cậu nằm trong toán công nhân đầu tiên tới khai phá để trồng cao su, đến nơi thì phát hoảng nhìn quanh nơi mình sống, khác xa với những gì những kẻ mộ phu vẽ nên để lừa bịp dân nghèo.
Chính vì sự đàn áp của thực dân mà phu cao su đã xích lại gần nhau. Và cậu thì “đứng đầu”, luôn tranh thủ thời cơ để vận động bàn kế không để cho bọn chủ đàn áp công nhân. Nhiều buổi lãn công, triệt cây giống và bỏ trốn diễn ra. Cậu thường xuyên bị bọn chủ để ý vì hay “làm loạn”.
Nhưng các cuộc đấu tranh mà cậu tham gia được truyền đến tai đồng chí Ngô Gia Tự (một trong những người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam). Năm 1928, đồng chí Ngô Gia Tự đã cử Nguyễn Xuân Cừ lên Phú Riềng hoạt động trong phong trào công nhân cao su và xây dựng cơ sở cho Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ đây, những thất bại của các cuộc đấu tranh của công nhân cao su được tìm ra. Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ đã tìm đến cậu Phu để truyền lửa và hướng dẫn phương pháp đấu tranh. Với cậu, đó là một điều may mắn bởi: “Tôi như người đang trong đêm tối dò dẫm bước trên một con đường gập ghềnh thì bỗng có được một bó đuốc sáng rực soi đường mình đi”.
Đầu năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ đã đưa Điều lệ Đảng cho một số anh em công nhân cao su Phú Riềng nghiên cứu, trong số này có cậu Phu. Chi bộ Phú Riềng đã tập hợp được nhiều anh chị em, các tổ chức bí mật của Đảng được thành lập, các cuộc đấu tranh từ đó có sự lãnh đạo đúng đắn về đường hướng và phương pháp.
Làm nên Phú Riềng Đỏ lịch sử
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị đế quốc tình nghi và trục xuất về Bắc nên bàn giao lại cho cậu Phu làm bí thư Chi bộ Phú Riềng. Những nghiệp đoàn bí mật và xích vệ đội được thành lập. Những buổi tập hợp anh chị em công nhân để tuyên truyền tư tưởng cách mạng, những buổi bàn bạc và chuẩn bị cho “bão nổi ở Phú Riềng” được diễn ra dưới các hình thức văn nghệ, thể thao, đá bóng.
Dưới sự lãnh đạo của cậu Phu, các cuộc đấu tranh được phối hợp nhịp nhàng, xen kẽ giữa hợp pháp với nửa hợp pháp rất linh loạt, chủ trương chống cúp phạt và đánh đập, phong trào đấu tranh của công nhân cao su lên vùn vụt.
Từ trước Tết Canh Ngọ 1930, Chi bộ Phú Riềng đã chuẩn bị điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần cho cuộc bãi công lớn. Từ ngày 30/1 đến 6/2/1930, “bão” đã nổi dậy ở Phú Riềng, 5.000 công nhân cao su lao khổ đã đứng lên bãi công. Bọn chủ đã phải chấp nhận toàn bộ yêu sách của công nhân. Chi bộ đã tổ chức biểu tình tuần hành trong các đồn điền. Dưới cờ đỏ búa liềm, bài Quốc tế ca được hát vang. Cuộc bãi công của công nhân cao su tại Phú Riềng đã làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương.
Sau cuộc bãi công, thực dân “kiếm cớ” để bắt những người hay gây rối, cậu Phu cùng một số anh em khác bị bắt, bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo. Với cậu, bị đày đi Côn Đảo là khóa học đầu tiên trong trường “Đại học cách mạng”.

Phú Riềng Đỏ là nơi đào tạo nhiều hạt giống cho phong trào cách mạng, cậu Phu là một trong số đó. Cả cuộc đời làm cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, cậu Phu ngày ấy khẳng định: “Tiếp theo, trên bước đường đấu tranh của tôi, từ Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, đến Việt Bắc, qua các đề lao Nam Định, Ninh Bình, Hỏa Lò… trải biết bao nơi nhưng tôi luôn nhớ tới Phú Riềng, nơi có những cánh rừng cao su chuyển thành “khu vực đỏ” gắn liền với quá trình rèn luyện đấu tranh để trở thành đảng viên cộng sản của tôi”.
Người đảng viên kiên trung
Trong cuộc đời của cậu có hai lần vượt ngục, một là ở Côn Đảo, hai là vượt ngục Hỏa Lò (Hà Nội), cậu bị bắt khi đang lĩnh nhiệm vụ Xứ ủy viên Bắc Kỳ, lần tù giam này vì cậu bị kết án 20 năm tù giam cộng với 10 năm khổ sai. Nhưng ý chí với lòng yêu nước mãnh liệt trong cậu nào chấp nhận. Vậy là một cuộc vượt ngục được tính toán kỹ lưỡng. Tháng 3/1945 lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, cậu cùng Ban sinh hoạt tổ chức vượt ngục thành công cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò theo đường chui cống ngầm. Cậu xác định: “Sống thì về với phong trào, chết thì lấy ngày này làm giỗ”. Trời không phụ kẻ có lòng, cậu cùng các anh em thoát ngục và về tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Cái tên Trần Tử Bình ra đời từ đó với ý nghĩa là người sống phong trần, lãng tử, sẵn sàng chết vì bình đẳng, bác ái.
Sau đó cậu trở thành một nhà lãnh đạo phong trào tiền khởi nghĩa một vùng rộng lớn ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Với cương vị Xứ ủy viên Bắc Kỳ tham gia ban lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội, rồi lại trở thành một vị tướng gánh vác nhiều trọng trách trong quân đội và công việc cuối cùng là trên cương vị một đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc hoạt động trên mặt trận ngoại giao. Với những đóng góp to lớn cho đất nước, năm 1948 sau chiến thắng Việt Bắc, cậu là một trong số ít cán bộ cao cấp đầu tiên của quân đội được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng.
“Cậu Phu” qua đời vào năm 1967 khi vừa tròn 60 tuổi. Lúc còn sống, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã dành những lời trân trọng nhất cho “cậu Phu” là “Anh Trần Tử Bình là một đảng viên có phẩm chất trong sáng, từng nêu cao khí tiết của người cộng sản trong ngục tù đế quốc, thấm nhuần đạo đức cách mạng “Cần – Kiệm – Liêm – Chính, Chí công – Vô tư”. Anh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, góp sức đào tạo hàng ngàn cán bộ để xây dựng và phát triển các đại đoàn chủ lực cho đất nước. Trên cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc, anh đã tích cực góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân hai nước. Anh là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập”.

Nguồn tin: TH

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay5,019
  • Tháng hiện tại287,332
  • Tổng lượt truy cập9,803,780
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây