Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Thứ hai - 17/10/2016 22:31

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhanh chóng như hiện nay, quốc gia nào muốn phát triển phải đi nhanh vào nền kinh tế tri thức. Bởi vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là bước đi tất yếu mà Việt Nam sẽ phải trải qua. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng đều đưa ra những chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay.

Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Lịch sử công nghiệp hóa trên thế giới đã trải qua hàng trăm năm. Vào giữa thế kỷ XVIII, một số nước phương Tây, mở đầu là nước Anh đã tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, với nội dung chủ yếu là chuyển từ lao động thủ công sang lao động cơ khí. Đây là mốc đánh dấu sự khởi đầu cho tiến trình công nghiệp hóa của thế giới. Tuy vậy, phải đến thế kỷ XIX, khái niệm công nghiệp hóa mới được dùng để thay thế cho khái niệm cách mạng công nghiệp, mặc dù sau cách mạng công nghiệp ở Anh, một thế hệ công nghiệp hóa đã diễn ra ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Có thể khái quát, công nghiệp hóa là quá trình tạo sự chuyển biến từ nền kinh tế nông nghiệp với nền kinh tế lạc hậu, dựa trên lao động thủ công, năng suất thấp sang nền kinh tế công nghiệp với cơ cấu kinh tế hiện đại, dựa trên lao động sử dụng bằng máy móc, tạo ra năng suất lao động cao. Như vậy, công nghiệp hóa là quá trình biến một nước có nền kinh tế lạc hậu thành nước công nghiệp hiện đại với trình độ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, có năng suất lao động cao trong các ngành kinh tế quốc dân. Hiện đại hóa là quá trình tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại.

Trong điều kiện của Việt Nam, Đảng ta xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”(1).

Những quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức

Hiện nay còn có những tên gọi và những định nghĩa khác nhau về kinh tế tri thức. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), “kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống”(2).

Các nước phát triển hiện nay đều chứa đựng trong nó nhiều yếu tố của nền kinh tế tri thức, như nền công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn, lao động trí tuệ có chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, bước chuyển sang kinh tế tri thức là bước chuyển có tính tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật chung. Việt Nam là nước có nền kinh tế nông nghiệp đang tiến hành công nghiệp hóa để phát triển kinh tế tránh tụt hậu. Đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, khai thác ứng dụng những thành tựu mới của thời đại nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm... Như vậy, chúng ta có cơ sở khoa học để đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và phát triển kinh tế tri thức. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định: “Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt. Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức độ cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức”(3).
Như vậy, muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần phải nắm bắt, khai thác, sử dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại và những yếu tố của nền kinh tế tri thức với phương châm tăng tốc, đi tắt, bỏ qua lối mòn mà các nước đã vượt qua. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời phát triển kinh tế tri thức là có căn cứ khoa học, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Nhưng chủ trương này chỉ thành công khi hai nhiệm vụ được thực hiện đồng thời, lồng ghép vào nhau, bổ sung hỗ trợ cho nhau bằng cách tăng cường đào tạo, sử dụng khuyến khích tăng nhanh tiềm năng tri thức quốc gia, đầu tư vào các ngành kinh tế tri thức. Từ chủ trương “từng bước phát triển kinh tế tri thức” trong Đại hội IX đến Đại hội X, Đảng ta khẳng định: “Coi kinh tế tri thức là yếu tố quyết định của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(4). Báo cáo chính trị tại Đại hội chỉ rõ: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp sử dụng nguồn vốn của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”(5).

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, trong điều kiện của thế giới và khu vực có nhiều biến động, với sự xuất hiện nhiều nhân tố mới, trong đó nổi bật là xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển kinh tế tri thức. Những nhân tố đó đã có tác động nhiều mặt (cả tích cực và tiêu cực) đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI dự báo, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ chủ yếu được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI là “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”(6).
Như vậy, Đảng ta đã đưa ra đường lối có căn cứ lý luận và thực tế vững chắc để tranh thủ thời cơ phát triển nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại với nền tảng là kinh tế tri thức.

Những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đưa ra những đường lối, chủ trương nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, Đảng ta coi đó là một trong những tiêu chí thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên trong từng thời kỳ, nhận thức của Đảng về vấn đề này cũng có những khác biệt và được điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn. Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm và bài học thực tiễn của các kỳ đại hội trước, Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) đã cụ thể hóa, bổ sung phát triển và làm sáng tỏ thêm một số nội dung. Thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta trước đây chủ yếu theo chiều rộng thì đến nay đã bước đầu có sự chuyển biến theo chiều sâu. Văn kiện Đại hội XII đã đưa ra định hướng đổi mới mô mình tăng trưởng kinh tế “trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững”(7).

Để thực hiện phương châm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Văn kiện Đại hội XII đã kế thừa những nhiệm vụ và giải pháp của Đại hội XI, có bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới, nổi bật là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”(8). Như vậy, bên cạnh chủ trương tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư, Đại hội XII đã đưa ra chủ trương phát triển thị trường trong nước nhằm phát huy vai trò của nội lực đồng thời thu hút có hiệu quả nguồn lực bên ngoài. Để phát huy những đóng góp tích cực của khoa học - công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã đưa ra phương hướng: “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai”(9). Như vậy, Văn kiện của Đại hội XII đặc biệt chú trọng vai trò của khoa học - công nghệ, coi khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”(10). Tuy nhiên, năng lực khoa học - công nghệ của Việt Nam còn yếu nên đã hạn chế khả năng nắm bắt cơ hội và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Khoa học - công nghệ chưa thực sự gắn kết và chưa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội... Văn kiện Đại hội XII xây dựng lộ trình phấn đấu: “Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”(11). Văn kiện còn nêu định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của các giai tầng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là con đường tất yếu. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(12). Báo cáo còn nêu rõ: “Đây là chủ trương lớn, quan trọng được nêu ra từ Đại hội XI của Đảng. Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình này theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế”(13). Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là phải hướng mạnh vào phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, tranh thủ những cơ hội “đi tắt, đón đầu” để hình thành nên những mũi nhọn phát triển theo trình độ tiên tiến của khoa học - công nghệ thế giới. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức sẽ phát huy được lợi thế để kết hợp sức mạnh sáng tạo của dân tộc với sức mạnh thời đại khai thác những ưu thế về vốn, công nghệ, thị trường của khu vực và thế giới để phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động dồi dào của nước ta để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Xét về lâu dài, lợi thế về lao động chưa qua đào tạo và tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng cạn kiệt, bởi vậy, cần phát huy lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài để cạnh tranh và chiếm lĩnh những ngành có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, khi đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội XI ( 2011 - 2015), Báo cáo chính trị đã nêu:

“Nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng”(14). Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Báo cáo chính trị cũng khẳng định nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do quá trình “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức”(15). Để bảo đảm thành công cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không còn con đường nào khác là phát triển mạnh kinh tế tri thức.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế tri thức ở nước ta không chỉ nhằm mục tiêu tăng trường kinh tế mà còn nhằm đạt tới cả mục tiêu xã hội, vừa phải đạt được mục tiêu tăng năng suất lao động nhưng vẫn phải tạo thêm ngày càng nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Bảo đảm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, hướng tới dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này phản ánh bản chất định hướng xã hội chủ nghĩa mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức mà Việt Nam đang hướng đến.

Kế thừa và phát huy những thành tựu, bài học học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, nhất là 5 năm gần đây, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu ra phương hướng phát triển đất nước trong 5 năm (2016 - 2020). “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(16) với chủ trương “công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển”(17).
Thứ ba, điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể cho phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội VIII của Đảng và trên thực tế, 20 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu này không đạt được. Trong 5 năm tới phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này. Với quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những chỉ tiêu quan trọng về mặt xã hội nhằm giải quyết tốt các vấn đề xã hội và hướng tới nền kinh tế tri thức: “Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD,... tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65% - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%”(18). Quá trình thực hiện các chỉ tiêu của Đại hội XII đồng nghĩa với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác cán bộ được Đảng cụ thể hóa, thể chế hóa thành các nguyên tắc về “quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể; giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và hệ thống chính trị. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”(19). Cùng với chiến lược cán bộ là chiến lược xây dựng và phát triển con người. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”(20). Đúc kết và xây hệ giá trị văn hóa chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Như vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng nhằm phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng không còn con đường nào khác hơn con đường phát triển mạnh kinh tế tri thức, chăm lo phát triển văn hóa và con người, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế tạo ra thế và lực để chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Những điểm mới trong tư duy của Đảng về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nêu ra trong Đại hội Đảng lần thứ XII, một mặt là sự tiếp nối những quan điểm, tư tưởng nhất quán của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các kỳ đại hội trước, mặt khác là sự bổ sung, phát triển cụ thể hóa hơn để triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể trong tình hình mới. Đại hội lần thứ XII khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức... thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay8,932
  • Tháng hiện tại108,585
  • Tổng lượt truy cập9,625,033
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây