- Giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%
Đến 2025, giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35% là nội dung được đề cập tại Quyết định 155/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch quốc gia, phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.
Theo Kế hoạch, một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến 2025, đơn cử như:
- Giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%.
- Giảm tỷ lệ hiện uống rượu, bia ở người 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%.
- Giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37%.
- Giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 7 gam/người/ngày.
- Giảm tỷ lệ thiếu vận động thể lực ở người từ đủ 18 tuổi trở lên còn dưới 22%.
- 90% Trạm Y tế cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia,...
- Ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.
- 80% người từ 40 tuổi trở lên được cung cấp thông tin, hướng dẫn theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần./.
2. Chính phủ: Phấn đấu mở cửa du lịch trên cả nước trước 30/3/2022
Phấn đấu mở cửa du lịch trên cả nước trước 30/3/2022 là nội dung được Chính phủ yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết 12/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2022.
Theo đó, Chính phủ nhận định, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 01/2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan sớm công bố lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất, nhất quán với hoạt động giao thông vận tải trong mọi loại hình và an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả;
- Phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30/3/2022, chậm nhất là ngày 30/4/2022.
- Theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh để có biện pháp quản lý lễ hội phù hợp với tình hình, bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, Chính phủ còn yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Khẩn trương hoàn thiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 02/2022.
- Tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới.
Chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19. Triển khai khẩn trương mua, tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết riêng của Chính phủ về việc này.
Tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy trình, phác đồ, theo dõi y tế, chăm sóc, điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhiễm COVID-19, các ca bệnh nhẹ, trường hợp tiếp xúc gần.
- Thúc đẩy sản xuất trong nước vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần nhanh nhất về thủ tục hành chính và bảo đảm các yêu cầu về khoa học, chuyên môn.
Chủ động công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị trong nước theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, tiêu cực.
- Giao Bộ Y tế khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền cho phép việc lưu thông, phân phối thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả./.
3. Quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử
Đây là nội dung tại Thông tư 01/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư 59/2015/TT-BCT về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Theo đó, quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử phải công bố công khai trên trang chủ của website và bao gồm các nội dung sau:
- Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ;
- Mô tả phương thức và quy trình thực hiện hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử;
- Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử;
- Các quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử;
- Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử;
- Biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động.
Thông tư 01/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 08/3/2022.
4. Vợ chồng phải cùng làm việc nhà, chia sẻ công việc trong gia đình
Vợ chồng có trách nhiệm cùng nhau làm việc nhà, chia sẻ công việc trong gia đình là nội dung được đề cập tại Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ban hành kèm theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL năm 2022.
Cụ thể, đối với tiêu chí ứng xử của vợ, chồng, Bộ tiêu chí nêu rõ:
- Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.
- Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
Ngoài ra, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình còn bao gồm các nội dung:
- Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
- Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.
- Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Chi tiết tại Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL năm 2022.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):