Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống: Tạo môi trường phát triển tài năng trẻ.

Thứ hai - 22/08/2016 20:52

Phát huy tài năng trẻ nói chung, tài năng khoa học trẻ nói riêng là một nhiệm vụ hàng đầu của nước ta, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay. Tạo môi trường làm việc tốt cùng với hệ thống chính sách phù hợp là những nhân tố quan trọng để các tài năng trẻ phát huy năng lực, trí tuệ cho công cuộc phát triển đất nước.

       Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh quan điểm “Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ trí thức” và “Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”. Đảng ta luôn xác định con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển và “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2020. Đặc biệt trong bối cảnh mới, việc phát huy tài năng trẻ, tài năng khoa học trẻ càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
       Khi nói đến tài năng, thường chúng ta nói đến trình độ, năng lực, tri thức, khả năng sáng tạo và những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển chung của xã hội và đất nước. Nhưng tài năng không tự nhiên mà có, người có tài ngoài tố chất bẩm sinh còn nỗ lực phấn đấu, đam mê nghiên cứu, tìm tòi áp dụng kiến thức vào thực tiễn với kết quả cao nhất. Trên thực tế, không phải cứ có bằng cấp giỏi, học vị cao thì đều là tài năng. Bằng cấp, hay học vị của cá nhân mới chỉ phản ánh năng lực, kiến thức ở dạng tiềm tàng. Còn khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn một cách xuất sắc mới được gọi là tài năng.
Thực tế cũng cho thấy, tự thân người có tài khó phát huy được những tài năng của mình nếu thiếu đi sự quan tâm, trợ giúp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta ngày càng chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng, phát huy và trọng dụng tài năng trẻ nói chung và tài năng khoa học trẻ nói riêng. Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động đào tạo, phát triển tài năng trẻ lại được quan tâm đặc biệt như hiện nay. Nuôi dưỡng và phát huy tài năng trẻ đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Điều đó thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ chủ trương, đường lối đến những quyết nghị, chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo và việc thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể. Đã có rất nhiều tài năng trẻ, tài năng khoa học trẻ Việt Nam được vinh danh trong nước và trên thế giới, họ là những tấm gương tài năng trẻ tiêu biểu, là niềm tự hào của đất nước, là niềm tin, là sự kỳ vọng về sự vươn lên, trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam.
       Tuy nhiên, việc trọng dụng và phát huy tài năng trẻ ở nước ta hiện vẫn còn những bất cập, đặc biệt trong khối hành chính sự nghiệp và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Một thực tế cho thấy nhiều tài năng trẻ từ chối không muốn làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi nhà nước rất cần người tài để xây dựng và quản lý chính sách. Ở Hà Nội, trong hơn 10 năm trải thảm đỏ kêu gọi nhân tài mới chỉ thu hút được 103 thủ khoa trong tổng số 1.203 em. Tại Đà Nẵng, sau hơn bảy năm thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” cũng chỉ thu hút được 500 thạc sĩ, sinh viên khá giỏi về làm việc. Hằng năm, chúng ta có hàng chục đoàn học sinh giỏi đi thi đấu quốc tế ở nhiều lĩnh vực khoa học và gặt hái được nhiều giải thưởng lớn, nhưng nếu chỉ xét riêng ở lĩnh vực khoa học - công nghệ thì tài năng khoa học trẻ của chúng ta lại tỏ ra yếu thế khi chưa có nhiều công trình, sản phẩm khoa học mang tính đột phá khu vực. Theo một báo cáo, suốt 10 năm từ 2001 đến 2010, trong 1.665 đơn đăng ký của người Việt thì chỉ có 257 bằng độc quyền sáng chế được cấp, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài. Điều này cho thấy vai trò của tài năng khoa học trẻ của Việt Nam vẫn chưa được thể hiện rõ nét.
       Cản trở nào khiến cho các tài năng khoa học trẻ ít có công trình nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học khu vực và quốc tế? Vì sao một số học sinh, sinh viên giỏi, ưu tú ra nước ngoài học tập lại không quay trở về cống hiến tại quê hương? Vì sao một số tài năng trẻ không muốn vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước?… Theo chúng tôi, những bất cập trong việc trọng dụng tài năng trẻ hiện nay là do chính chúng ta chưa định vị được thế nào là tài năng để từ đó có định hướng đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng.
       Đối với những tài năng trẻ, tiền lương và các cơ chế đãi ngộ là rất quan trọng, nó là điều kiện cần để anh chị em yên tâm lao động, nghiên cứu, sáng tạo. Nhưng thực tế cho thấy ở một số địa phương ngoài một số khoản tiền gọi là “chiêu hiền, đãi sĩ” thì các tài năng trẻ cũng chỉ được nhận mức lương đúng theo quy định của nhà nước theo hệ số.
      Lý do khác khiến một số các tài năng trẻ không mặn mà vào làm tại các cơ hành chính nhà nước là bởi họ lo lắng cơ hội thăng tiến mong manh do những quy định hành chính ngặt nghèo và máy móc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thiếu cạnh tranh, ít thử thách. Ngoài ra, với nhiều tài năng trẻ, cơ hội để khẳng định và phát triển nghề nghiệp được xem là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn nơi làm việc. Trong công việc họ thường thích những đột phá, thử thách, mong muốn được lãnh đạo tin tưởng, giao việc hoặc ủy quyền để thực hiện những công việc quan trọng. Nhưng ở một số nơi, những người trẻ mới về làm việc thường chưa nhận được sự đánh giá đúng mức, thậm chí phải đảm nhiệm công việc không phù hợp với chuyên môn và năng lực.
      Từ thực tiễn đó, trong điều kiện khoa học - công nghệ đang phát triển nhanh chóng, công nghệ thông tin có những bước nhảy vọt thì một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu của nước ta là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tài năng trẻ, tài năng khoa học trẻ. Để tiếp tục phát triển, ươm mầm và nuôi dưỡng nhân tài đất Việt, việc tạo môi trường phát huy tài năng trẻ, tài năng khoa học trẻ là một vấn đề cấp bách, đặc biệt quan trọng và đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Trong đó, theo chúng tôi cần chú trọng một số nội dung cơ bản mà yếu tố quan trọng hàng đầu là tạo môi trường học tập và nghiên cứu phù hợp. Điều kiện học tập và nghiên cứu tốt giúp phát triển năng khiếu, tư duy sáng tạo và định hướng tích cực cho tài năng trẻ rèn luyện, phấn đấu và cống hiến cho đất nước.
      Cùng đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, các quỹ và hình thức hỗ trợ, bảo trợ tài năng trẻ hiện có. Vận động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tài năng trẻ, hỗ trợ để tài năng trẻ phát triển chuyên môn. Xây dựng môi trường hoạt động, trao đổi, khẳng định chuyên môn cho các tài năng thông qua các tọa đàm, hội thảo, cuộc thi, chương trình hoạt động có nội dung chuyên môn, khoa học sâu sắc. Một mặt, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho tài năng thực hiện nghiên cứu, tích lũy tri thức và công tác chuyên môn. Có những chương trình, đề án phù hợp trong việc bố trí, sử dụng tài năng trẻ. Các cấp, các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - tổ chức chính trị, xã hội của thanh niên cần có sự phối hợp nhằm tạo ra môi trường, điều kiện tốt nhất để tài năng trẻ học tập, nghiên cứu và phát triển.
      Nhìn sang một số quốc gia, chúng ta nhận thấy việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài được xem là một sách lược mang tính quốc gia được ưu tiên hàng đầu. Tại Xin-ga-po, từ năm 1998 đã thành lập Ủy ban tuyển dụng tài năng Xin-ga-po với nhiệm vụ tìm kiếm tài năng không chỉ người bản địa mà còn trọng dụng cả những tài năng người nước ngoài. Những tài năng trẻ nước ngoài, ngoài việc được hưởng lương cao theo mức tài năng, còn được nhiều chính sách ưu đãi như đưa người thân sang sống cùng, được định cư lâu dài nếu có nguyện vọng…
      Ở Nhật Bản, chính sách thu hút người tài được Chính phủ quan tâm bằng cách cung cấp các khoản tài chính để đào tạo và tuyển dụng những tài năng giỏi nhất về làm cho Nhà nước. Theo đó, hằng năm Viện Nhân sự Nhật Bản, một cơ quan nhà nước độc lập với các Bộ sẽ mở ba kỳ thi tuyển chọn công chức gồm loại I (cấp cao) và II, III (cấp thấp). Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai và được tự do lựa chọn nơi làm việc. Đáng chú ý, số người tham gia thi tuyển thường là các sinh viên ưu tú tại các trường đại học lớn.

Tác giả bài viết: ĐỨC TRỌNG (ST)

Nguồn tin: baochinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay374
  • Tháng hiện tại211,293
  • Tổng lượt truy cập10,118,310
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây