- Phân biệt đối xử giữa nam, nữ khi tuyển dụng lao động bị phạt tới 30 triệu đồng
Phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong tuyển dụng lao động được xem là hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động theo Nghị định 125/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với hành vi từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.
(Trước đây, theo Điều 8 Nghị định 55/2009/NĐ-CP chỉ áp dụng mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:
+ Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới;
+ Sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ).
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 125/2021/NĐ-CP).
Như vậy, việc người sử dụng lao động phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong tuyển dụng lao động có thể bị phạt đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và lên đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, các hành vi sau đây về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động cũng sẽ bị phạt cùng mức phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng, bao gồm:
- Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;
- Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;
Đồng thời, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.
(Bổ sung mức phạt hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới so với trước đây).
* Biện pháp khắc phục hậu quả:
Biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP, theo đó:
- Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với các hành vi nêu trên;
- Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới.
Chi tiết tại Nghị định 125/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
- Không mặc áo phao khi đi đò, phà bị phạt đến 2 triệu đồng
Theo Nghị định 139/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hành vi không mặc áo phao đi khi đò, phà bị phạt đến 2 triệu đồng.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người, hành khách khi có hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên các phương tiện sau:
- Phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người;
- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người;
- Phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà,...).
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, không mặc áo phao khi đi đò, phà bị phạt đến 2 triệu đồng.
(Trước đây, theo Nghị định 132/2015/NĐ-CP, hành vi không mặc áo phao khi đi đò, phà bị phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng).
Ngoài ra, Nghị định 139/2021/NĐ-CP cũng quy định các mức xử phạt vi phạm liên quan đến phao cứu sinh trong giao thông đường thủy nội địa, cụ thể:
- Đối với hành vi không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao,...), cứu đắm cho người, hành khách trên phương tiện thì người lái phương tiện sử dụng phương tiện có sức chở đến 12 người bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
- Đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu theo chuyến cố định mà không có bảng hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao,...), cứu đắm:
+ Nếu cá nhân vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng;
+ Nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nghị định 139/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 132/2015/NĐ-CP./.
- Hát karaoke ồn ào sau 22 giờ bị phạt đến 2 triệu đồng
Thông tin được nhiều người quan tâm, đó là hát karaoke gây ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng sau 22 giờ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng.
Cụ thể, đối với hành vi hát karaoke ồn ào sau 22 giờ,
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào huyên náo (như hát karaoke, loa kẹo kéo,...) tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, hát karaoke ồn ào sau 22 giờ cá nhân có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 2 triệu đồng.
(Trước đây, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với cá nhân; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng đối với tổ chức)
Hiện nay, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn được quy định tại Mục 2.1 Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn ban hành kèm theo
Thông tư 39/2010/TT-BTNMT như sau:
Khu vực |
Từ 6 giờ đến 21 giờ |
Từ 21 giờ đến 6 giờ |
Khu vực đặc biệt |
55 dBA |
45 dBA |
Khu vực thông thường |
70 dBA |
55 dBA |
Trong đó:
- Khu vực đặc biệt là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác.
- Khu vực thông thường gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính.
Ngoài ra,
Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chưng, cụ thể:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây
+ Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
+ Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
- Các trường hợp hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa ký ban hành Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT quy định về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.
Theo đó, hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp trong các trường hợp sau:
- Giống cây trồng lâm nghiệp bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, chất lượng hoặc bị sâu bệnh hại ở mức độ nặng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận;
(So với hiện hành, bổ sung trường hợp bị sâu bệnh hại ở mức độ nặng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận).
- Giống cây trồng lâm nghiệp không còn vật liệu nhân giống. (Nội dung mới)
Trong thời hạn 20 ngày làm việc từ ngày phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về tình trạng giống cây trồng lâm nghiệp thuộc một trong các trường hợp trên:
Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức kiểm tra, quyết định hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 03 Phụ lục III và Mục A Phụ lục IV kèm theo Thông tư 22/2021.
Trường hợp không hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.
Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 và thay thế Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):