- Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%
Đây là mục tiêu được nêu tại Nghị quyết 148/NQ-CP năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt các mục tiêu cụ thể sau:
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%; Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 – 1,9% vào năm 2025;
- Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 950 – 1.000 đô thị;
- 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị;
- Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 – 16%; Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 – 8m2; Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2;
- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%;
- Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75%; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25-30%.
Chi tiết tại Nghị quyết 148/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 11/11/2022
- Danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hộ tịch
Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 2228/QĐ-BTP ngày 14/11/2022 công bố thủ tục hành chính mới; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Theo đó, danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hộ tịch bao gồm:
- 15 TTHC cấp huyện, đơn cử như: Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài; Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài;...
- 20 TTHC cấp xã, đơn cử như: Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký khai tử;...
- 01 TTHC thực hiện tại cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: Cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Bên cạnh đó, có 01 TTHC được ban hành mới (Thủ tục xác nhận thông tin hộ tịch).
Chi tiết nội dung các TTHC được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 2228/QĐ-BTP có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.
- Khắc phục tình trạng tinh giản biên chế không đúng quy định
Đây là nội dung được đề cập tại Công văn 5670/BNV-TCBC do Bộ Nội vụ ban hành về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Theo đó, một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên phải thực hiện báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp đó.
Bộ Nội vụ cũng liệt kê các trường hợp cụ thể điển hình chưa thực hiện đúng quy định về tinh giản biên chế như:
- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã;
- Công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế;
- Công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định;
- Chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường;
- Công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộmáy của cơ quan, tổ chức, đơn vị,...
Chi tiết tại Công văn 5670/BNV-TCBC do Bộ Nội vụ ban hành./.
- Toán, Ngữ văn, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc với học sinh trong cơ sở GDNN
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN.
Theo đó, quy định về môn học trong khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Các môn học bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Lịch sử.
- Các môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.
Thời lượng giảng dạy của các môn học: Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử là 168 tiết/môn học.
Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
Về tổ chức giảng dạy thực hiện như sau:
- Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học.
- Mỗi môn học được giảng dạy trong ba kì.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy môn học.
- Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
- Thực hiện các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học; chú trọng rèn luyện cho người học phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/12/2022.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):