Phú Riềng: Trang thông tin điện tửhttps://phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/phurieng/quochuy.png
Thứ sáu - 26/11/2021 10:40
Những năm gần đây, có rất nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Riềng đã thoát nghèo bền vững nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong đó trao tặng bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con có sinh kế phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo bên vững vươn lên làm giàu. NUÔI BÒ THOÁT NGHÈO Ngoài 30 tuổi, chị Thị Ngun, ngụ thôn 6, xã Long Tân, là mẹ đơn thân, nuôi 4 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, căn nhà tạm bợ không đủ che nắng, chắn mưa. Năm 2018, được nhà nước quan tâm, cấp 0,8 ha đất canh tác theo chương trình 134 tại tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Năm 2019 gia đình chị tiếp tục được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết và tặng 2 con bò sinh sản. Có nhà kiên cố để ở, chị Ngun cùng các con bảo nhau làm ăn, chăm sóc bò giống, gia đình chị là một trong các gia đình tiêu biểu trong thôn, chấp hành các quy định, không cầm cố đất, không bán điều non. Nhờ chịu khó chăm sóc, mỗi năm với 0,8ha điều, chị thu về từ 25 đến 30 triệu đồng, đàn bò cũng sinh sản thành 4 con, và 2 bò mẹ hiện tiếp tục mang thai. Kinh tế gia đình ổn định dần. Chị Thị Ngun phấn khởi cho biết:“Được Đảng, nhà nước quan tâm, xây nhà, cho bò, nên gia đình tôi đã giảm nghèo, không còn khó khăn như trước, tôi rất phấn khởi, cảm ơn Đảng, nhà nước”. Mặc dù kinh tế nhiều hộ dân ở thôn 6 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thế nhưng gia đình anh Điểu Quay, cơ bản vẫn ổn định. Hiện gia đình anh đang nuôi 12 con bò, trong đó có 5 bò mẹ đang mang thai. Anh Quay cho biết, năm 2015, anh được nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách 2 đợt với số tiền 75 triệu đồng. Được người thân hỗ trợ thêm, anh mua 5 con bò giống lai Sin. Cán bộ thú y xã và ban thôn quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật cũng như tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đàn bò của gia đình anh phát triển rất tốt, có thời điểm lên đến hơn 20 con, bê cái thì để lại nuôi tăng đàn, còn bê đực thì nuôi lớn rồi bán thịt. Trung bình mỗi năm anh Quay xuất chuồng từ 4 đến 5 con bò thịt, thu về gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Quay còn ủ phân bò bón cho vườn điều 1ha của gia đình, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo năng xuất vườn điều. Để tiết kiện nhân công, Gia đình anh cùng với 3 hộ khác trong thôn thỏa thuận chăn bò đổi công, thời gian còn lại tranh thủ làm việc khác, Đến nay gia đình anh là một trong các hộ điển hình tại thôn 6, xã Long Tân thoát nghèo vươn lên khá giả . Anh Quay cho biết:“Tôi được nhà nước quan tâm hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, mua 5 con bò giống, hiện nay đàn bò có 12 con, kinh tế gia đình tôi rất ổn định, tôi rất phấn khởi. Sẽ cho nó đẻ thêm để gia đình được khá thêm”. CÙNG GIÚP NHAU THOÁT NGHÈO. Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, từ thoát nghèo, vươn lên khá giả, gia đình chị Thị Dim còn thường xuyên hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn bằng việc bán bò trả góp và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Từ năm 2008 gia đình chị đã tự mua giống bò Lai Sin về chăn thả, sau đó được nhà nước hỗ trợ thêm về con giống, năm 2010 đã thoát nghèo bền vững. Hiện nay, đàn bò có 17 con, với lợi thế có nhiều đồng cỏ gần nhà, chị Dim vẫn tiếp tục nuôi bò theo hình thức chăn thả, trồng thêm cỏ voi và mua rơm cho bò ăn vào mùa khô. Trung bình mỗi năm xuất từ 5 đến 7 con bò thịt, thu về trên 100 triệu đồng. Không những vậy, chị còn bán phân bò, mỗi năm thu hàng chục triệu đồng. Tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm, chị đảm nhận thêm việc phối giống bò cho các hộ trong thôn. Vươn lên từ khó khăn, được Đảng và nhà nước quan tâm, chị Dim rất phấn khởi, từ đó thường xuyên giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác bằng cách bán bò giống trả chậm, đến nay, có 6 hộ được chị Dim bán bò trả góp, không tính lãi. Chị cũng nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật chăm sóc bò thịt, bò đẻ, kinh nghiệm xử lý khi bò mắc bệnh, vận động mọi người xung quanh chăm sóc tốt bò giống được hỗ trợ, từ đó phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Đợt dịch vừa qua, đàn bò của chị Dim và các hộ xung quanh rất khỏe mạnh không bị nhiễm bệnh viên da nổi cục. Chị Dim phấn khởi nói: “Mình nuôi bò hơn mười năm rồi, một số được nhà nước hỗ trợ, một số xin nuôi bò nông dân, từ đó đến nay lần lần nó đẻ, có vốn cũng mua đi, bán lại, kinh tế cũng ổn định hơn. Nhiều khi bà con ở đây thiếu tiền cũng bán thiếu cho người ta, rồi người ta đi làm, đi cạo mủ có tiền đưa cho mình, mình giúp cho người ta. Nhiều khi động viên chị em dáng chăn nuôi, ngày trước mình cũng cực khổ lắm, được nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ tới giờ rất phấn khởi” Hiện nay, thôn 6, xã Long Tân là thôn đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Phú Riềng, đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, được đảng, nhà nước quan tâm, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, các công trình an sinh xã hội cũng được chú trọng đầu tư, các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chăm chỉ làm ăn cũng được triển khai đồng bộ, từ đó kinh tế được cải thiện, đời sống được nâng lên. Ông Vương Ngọc Bửu Sơn, Trưởng Ban công tác Mặt Trận thôn 6, xã Long Tân cho biết: “Số hộ nghèo thôn 6 xã Long Tân, đến nay đã giảm rất nhiều, hiện toàn thôn có 237 con bò trên 52 hộ chăn nuôi. Nhìn chung những năm gần đây từ Chương trình hỗ trợ của nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, bà con phát triển rất tốt, năm 2015 là 132 hộ nghèo, đến nay, trong vòng 6 năm đã giảm chỉ còn 17 hộ nghèo và dự kiến cuối năm 2021 chỉ còn 3 hộ nghèo, tất cả đều nhờ vào các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là chính sách giảm nghèo bền vững, chương trình 135 của nhà nước”./.
Đàn bò của gia đình chị Thị Ngun từ 2 con được hỗ trợ nay đã phát triển thành 4 con.
Người dân thôn 6, xã Long Tân phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò.