Phú Riềng: Trang thông tin điện tửhttps://phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/phurieng/quochuy.png
Thứ tư - 07/12/2022 00:17
Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bình Phước được triển khai sâu rộng, tác động tích cực đến đời sống hội viên, nông dân, góp phần nâng cao đời sống, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ông Lầu Sỹ Nịp, xã Long Bình, huyện Phú Riềng là gương điển hình ở địa phương. Năm 1996, sau khi tận mắt chứng kiến giống bưởi da xanh nổi tiếng ở vùng đất Bến Tre, ông Lầu Sỹ Nịp bắt đầu trồng thử nghiệm hơn 1 ha giống bưởi này trên vùng đỏ bazan thuộc ấp 5, xã Long Bình. Qua nhiều năm canh tác, mặc dù nhận thấy đây là giống bưởi đòi hỏi khá nhiều về kỹ thuật chăm sóc cũng như khả năng thâm canh, ông tìm tòi học hỏi và đã không ngừng phát triển, mở rộng diện tích. Nhờ thâm canh tốt và được chăm sóc một cách khoa học nên vườn bưởi ông Lầu Sỹ Nịp luôn sai quả. Theo ông Lầu Sỹ Nịp, bưởi da xanh tuy hiệu quả kinh tế cao nhưng vốn đầu tư cũng rất lớn. Chỉ tính riêng tiền giống, mỗi héc ta bưởi da xanh phải mất ít nhất từ 3,5-5 triệu đồng. Tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc ít nhất cũng 30 triệu đồng đối với năm đầu kiến thiết cơ bản. Năm thứ hai trở đi, 1 ha bưởi da xanh phải đầu tư ít nhất 40 triệu đồng/năm. Vào thời kỳ kinh doanh, mức đầu tư thấp nhất cũng phải ở mức 50 triệu đồng/năm/ha. Cũng như các loại cây trồng khác, hơn một năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn do không thể xuất khẩu được, chưa kể giá cả phân bón vài năm gần đây liên tục tăng cao. Hiện nay, ông Nịp có 30 ha bưởi da xanh, trong đó có 25 ha đang cho thu hoạch. Hàng năm, ông Nịp thu về hàng tỷ đồng. Với diện tích và giá trị kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại, ông Lầu Sỹ Nịp được mọi người biết đến là tỷ phú trồng bưởi da xanh trên vùng đất đỏ bazan Phú Riềng. “Thời gian đầu, tôi trồng thử nghiệm chỉ hơn 1 ha, qua quá trình canh tác thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Cây này cũng thuộc dạng khó tính đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc, cách xử lý ra hoa đúng nguyên tác. Bây giờ, giá cả phân bón, thuốc trừ sâu đang cao quá nên lợi nhuận thấp hơn. Thời gian trước ảnh hưởng dịch bệnh bưởi không xuất khẩu được, chủ yếu tiêu thụ trong nước nên giá cả cũng thấp”, ông Lầu Sỹ Nịp chia sẻ. Để tạo sự liên kết và hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, ông Nịp còn đứng ra vận động các hộ dân tham gia vào thành lập Hợp tác xã Bưởi da xanh Hồng Nịp. Tham gia hợp tác xã, các thành viên có điều kiện hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện Hợp tác xã có 8 thành viên, tổng diện tích cách tác 60 ha, trong đó 5 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ làm canh tác theo quy trình hữu cơ, từ năm 2017 toàn bộ diện tích 30 ha bưởi da xanh của gia đình ông Lầu Sỹ Nịp đã được cấp có thẩm quyền công nhận là mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bản thân ông Nịp hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Hồng Nịp nên ông cũng yêu cầu các hội viên trong hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo sản phẩm bưởi da xanh đạt chuẩn sạch, an toàn, từ đó xây dựng thương hiệu uy tín, thúc đẩy hợp tác xã phát triển bền vững, xây dựng thành vùng nguyên liệu đủ lớn đến hướng đến xuất khẩu trực tiếp sang các nước. Cũng theo ông Lầu Sỹ Nịp, bản thân ông đã định hướng cho các thành viên của hợp tác xã, xác định với diện tích khoảng 60 ha, mọi người dân trồng bưởi cùng phát triển thành một vùng nguyên liệu rộng lớn có khả năng xuất khẩu trực tiếp được ra nước ngoài. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Lầu Sỹ Nịp còn rất tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo, sát cánh cùng địa phương thực hiện các công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, gia đình ông Nịp đã hỗ trợ thôn 5, xã Long Bình làm tuyến đường cấp phối sỏi đỏ dài 2 km, trị giá 90 triệu đồng. Năm 2021, gia đình ông cùng với 2 thành viên khác của hợp tác xã tiếp tục đóng góp 700 triệu đồng làm 2 km đường bê tông xi măng. Từ những nỗ lực của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, việc đi lại của người dân nơi đây trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nông huyện Phú Riềng Thái Văn Hóa cho biết, ông Lầu Sỹ Nịp là người sản xuất giỏi có kỹ thuật canh tác tốt trong chăm sóc cây trồng, nhất là cây bưởi. Ngoài ra, bản thân ông cũng tham gia tại các gian hàng hội chợ và được tỉnh, huyện khen thưởng. Bản thân ông Lầu Sỹ Nịp rất tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Năm 2021, xã Long Bình được công nhận là xã nông thôn mới, bản thân ông và hợp tác xã đã đóng góp kinh phí để xây dựng đường bê tông được nhiều người dân hưởng lợi. Ngoài ra, ông Lầu Sỹ Nịp không những vươn lên sản xuất giỏi, góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn giải quyết công ăn việc làm từ 15-20 người. Từ những nỗ lực của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, ông Lầu Sỹ Nịp đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen cũng như vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Ông Nịp là một nông dân sản xuất, trồng trọt giỏi lại tích cực với công tác xã hội của địa phương (Ảnh Dân Việt)
Nhiều đoàn tới thăm quan mô hình trồng bưởi của gia đình ông Nịp