Năm học đặc biệt - 2021-2022 đã trôi qua gần 1 học kỳ. Bây giờ là thời điểm các trường tập trung ôn luyện cho học sinh và xây dựng phương án triển khai thi cuối học kỳ đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh. Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số phương án kiểm tra đánh giá cuối kỳ, nhưng lựa chọn hình thức nào phù hợp, hiệu quả là điều phụ huynh đang trông đợi ở các nhà quản lý.
Sau gần 1 học kỳ triển khai thực hiện, học trực tuyến đã thể hiện là sự lựa chọn tối ưu của ngành giáo dục trong điều kiện dịch bệnh, nhằm đảm bảo mục tiêu năm học và sức khỏe cán bộ, giáo viên, học sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều bất cập, vướng mắc của phương án dạy học mới đã được tháo gỡ. Hiện là thời điểm chuẩn bị bước vào kiểm tra, thi cuối kỳ. Kỳ thi đòi hỏi ở nhà quản lý giáo dục một quyết sách phù hợp, đem lại chất lượng, hiệu quả thật.
Như Báo Bình Phước đã nhiều lần đề cập, việc học trực tuyến với học sinh lớp lớn đã khó, với học sinh lớp 1, 2 lại càng khó hơn và còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ. Học đã khó, việc triển khai thi trực tuyến với học sinh khối lớp này cũng lại khó hơn. Khó không chỉ khâu tổ chức mà còn ở chất lượng, sự công bằng và nền tảng kiến thức. Thực tế cho thấy, học trực tuyến bên cạnh hiệu quả phòng, chống dịch tốt cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và đến nay, một số hạn chế vẫn chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là trang thiết bị kỹ thuật và đường truyền. Những hạn chế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kỳ thi cũng như kết quả đánh giá học sinh. Thời gian qua, trong quá trình học trực tuyến vẫn thường xảy ra việc học sinh đang học bị cúp điện, “rớt” internet, máy tính, điện thoại bị đơ, mất nguồn… Đó là chưa kể một vài phụ huynh vì sính điểm cao đã can thiệp, nhắc bài cho con. Đối với học sinh lớp lớn thì lập nhóm Zalo để truyền đáp án cho nhau hoặc đưa ra lý do không có điện thoại, máy tính, chờ anh chị học xong hoặc gia đình bị cúp điện, cúp internet xin được thi sau... Muôn vàn lý do khiến phụ huynh lo ngại về chất lượng thi trực tuyến.
Để đảm bảo mục tiêu năm học, Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Theo đó, ở những địa phương học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hình thức trực tuyến. Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường khẩn trương ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tiếp.
Đối với học sinh lớp 1, 2, quá trình học tập của các em thiếu sự tương tác và nhà trường cùng các thầy, cô giáo chưa có giải pháp đánh giá chính xác việc các em thu nhận kiến thức được tới đâu. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, cần tạo điều kiện tối đa để học sinh được tới trường củng cố kiến thức và thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.
Định hướng đã rõ và chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ bởi đây là vấn đề chưa có trong tiền lệ thi cử. Vấn đề còn lại là ở ý thức phụ huynh, học sinh và cả giáo viên trong quá trình kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra cho ngành giáo dục.
Nguồn tin: LÊ ĐẠT. Nguồn: Báo Bình Phước