Phú Riềng: Trang thông tin điện tửhttps://phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/phurieng/quochuy.png
Thứ sáu - 21/04/2023 13:06
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, hành vi xử lý dữ liệu cá nhân tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm.
Hình từ internet Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng, đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm hay các phần tử xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Dữ liệu bị đánh cắp có thể gây ra những tổn thất tài chính nghiêm trọng, nguy cơ bị tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại tình dục... dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Thời gian qua, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, các loại tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao đã sử dụng mã độc, phần mềm có tính năng gián điệp hay tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính để chiếm đoạt thông tin, dữ liệu cá nhân. Chúng còn tấn công vào hệ thống lưu trữ dữ liệu cá nhân, thông tin khách hàng để bán cho đối thủ hay ăn cắp mật khẩu của các tài khoản nhằm mục đích biển thủ tiền... Hoặc lợi dụng sự chủ quan, lơ là và đánh vào tâm lý “hám lời” của người dân, đề nghị cung cấp thông tin, sau đó chiếm đoạt tài sản thông qua các chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng, mua hàng online, chơi game có thưởng… Tình trạng mất cắp dữ liệu cá nhân còn xảy ra do các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân, nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, bán thông tin cho các đối tác khác. Hoặc do các cá nhân, doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để kinh doanh, buôn bán… Ngoài ra, các ứng dụng trên điện thoại yêu cầu người dùng phải đồng ý cấp một số quyền, như giám sát camera, danh bạ, quyền truy cập bộ nhớ,… mới cho sử dụng để thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Theo đánh giá, Nghị định số 13 đã bao phủ được các đối tượng, tổ chức liên quan đến dữ liệu cá nhân, bao gồm từ chủ thể dữ liệu, bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu đến cả các bên thứ ba có liên quan đến dữ liệu. Tất cả các bên phải cùng có trách nhiệm thay vì chỉ tập trung trách nhiệm vào các bên kiểm soát và xử lý dữ liệu. Nghị định còn giúp tạo ra hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước có thể rà soát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra về việc tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân với các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công cụ, chính sách nào cũng có những “kẽ hở” để tội phạm lợi dụng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải ý thức thực hiện tốt việc bảo mật dữ liệu của bản thân để ngăn chặn hành vi trộm cắp dữ liệu, thông tin cá nhân, tránh được những hệ lụy, rủi ro phát sinh. Đơn vị kiểm soát dữ liệu, xử lý dữ liệu phải thường xuyên rà soát lại hệ thống, quy trình, kịp thời có phương án kỹ thuật bảo đảm tốt nhất cho việc bảo mật thông tin. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động ứng dụng công nghệ mới để rà soát, kiểm tra, đánh giá, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân… Nguồn tin: Dương Nga (nguồn Bình Phước Online)