Đại hội XII của Đảng diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 20 đến 28-1-2016 đã “thành công rất tốt đẹp” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong diễn văn bế mạc. Cùng với đổi mới về nhân sự tham gia Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, thì Nghị quyết của Đại hội cũng có nhiều điểm mới; trong đó lĩnh vực công tác xây dựng Đảng có các điểm như sau:
(1) Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị: Đại hội XII đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ, giải pháp mới là: Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển; hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
(2) Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận: đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng…
(3) Tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng: đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trọng sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.
(4) Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị: Đại hội XII đã cụ thể hoá Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
(5) Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đại hội XII bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới là: “Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Tổng kết việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”.
(6) Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ: thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; kế thừa và phát triển… giữa thầm quyền và trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ hiến pháp, pháp luật…
Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ… để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu.
(7) Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng: hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát. Nghiên cứu việc tăng thẩm quyền kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng cho ủy ban kiểm tra các cấp…
(8) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”…
(9) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng…
(10) Đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng: Đại hội II bổ sung phương hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đồng thời, bổ sung, phát triển một số nhiệm vụ, giải pháp mới là: Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền…; Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể; Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp; Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, thì có 2 nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng (liên quan đến thực hiện 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu).
Tác giả bài viết: Tạp Chí Cộng Sản
Nguồn tin: baochinhphu.vn