Huyện ủy Phú Riềng vừa ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 15/9/2023 về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở và Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Để lãnh đạo, chỉ đạo thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Riềng lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029; Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy mạnh mẽ tính tự chủ, năng động, sáng tạo và tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, đổi mới tổ chức bộ máy và nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách; bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động để phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến cơ sở.
2. Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện chuẩn bị nội dung các văn kiện trình Đại hội và tiến hành tổ chức Đại hội đạt chất lượng, hiệu quả tốt nhất, cụ thể:
- Chuẩn bị kỹ lưỡng các văn kiện trình Đại hội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội. Báo cáo chính trị cần đánh giá đúng, khách quan tình hình các tầng lớp nhân dân và việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện nhiệm kỳ 2019-2024, khẳng định kết quả đạt được, những cách làm hay, nhân tố mới; thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024-2029 cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; phân tích đầy đủ bối cảnh tình hình, dự báo thuận lợi, khó khăn, những vấn đề mới; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi; chú trọng khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong nhiệm kỳ qua; tập trung các giải pháp nhằm tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
- Việc tham gia ý kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn mới.
- Công tác nhân sự phải đảm bảo nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xây dựng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2024-2029 có cơ cấu, số lượng hợp lý, có tỷ lệ người ngoài Đảng phù hợp; chú trọng phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao với địa phương và công tác Mặt trận; có thể mở rộng thành phần, số lượng tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu đại diện các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, tri thức, doanh nghiệp… tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh Đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Số lượng, cơ cấu Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên.
- Cấp ủy phân công, giới thiệu Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
- Đối với cấp huyện: Huyện ủy phân công, giới thiệu đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện.
- Đối với cấp xã: Nơi có nhiều hơn 03 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, thì phân công giới thiệu 01 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã. Những nơi còn lại thì cấp ủy phân công, giới thiệu 01 đồng chí Đảng ủy viên có năng lực, uy tín để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
3. Đại biểu tham dự Đại hội phải tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm cho thành công của Đại hội. Số lượng đại biểu tham dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và cấp xã có thể tăng nhưng không vượt quá
10% so với Đại hội trước.
4. Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; tuyên truyền rộng rãi về truyền thống đoàn kết dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực chào mừng Đại hội.
5. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan, Ủy ban nhân dân các xã tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các xã tổ chức Đại hội trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ.
6. Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tập trung chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn việc tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện. Chỉ đạo điểm và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm khi hoàn thành Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để chuẩn bị tốt cho Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện lần thứ III.
* Thời gian tổ chức Đại hội
- Cấp xã: hoàn thành
trong quý I/2024.
- Cấp huyện: hoàn thành
trong tháng 4/2024.
7. Ban Dân vận Huyện ủy chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các ban xây dựng đảng và các cơ quan có liên quan giúp Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
Nguồn tin: Nguyễn Diễm: