Phú Riềng: Trang thông tin điện tửhttps://phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/phurieng/quochuy.png
Thứ tư - 01/05/2024 16:09
Theo báo cáo, đầu tháng 4/2024 trên địa bàn huyện ghi nhận 03 xã (Phú Trung, Phước Tân và Long Bình) bị ảnh hưởng bởi hạn hán với 61 hộ thiếu nước sinh hoạt; 21 hộ dự kiến có khả năng thiếu nước sinh hoạt; diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn hán: 228,7ha; ghi nhận 02 xã (Phú Trung và Phú Riềng) bị lốc xoáy, mưa lớn gây ra một số thiệt hại cho 12 căn nhà tốc mái, đổ tường, diện tích thiệt hại khoảng 514m2; 16 hộ dân bị thiệt hại về cây trồng với diện tích khoảng 6,5 ha. UBND huyện chỉ đạo hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các hộ dân khắc phục thiệt hại. Trước tình hình thiên tai, hạn hán nêu trên, ngày 11/4/2024 UBND huyện ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện. Qua đó, đề ra một số biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai như biện pháp khắc phục hạn hán: nạo vét khơi thông dòng chảy, đào ao, đắp đập tạm, khoan giếng, đào mới, cải tạo giếng đào, vận chuyển nước sinh hoạt; các biện pháp ứng phó với gió lốc, giông sét, ngập lụt: chằng chống nhà cửa để tăng độ bền vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy, chặt tỉa cành, nhánh các cây cao, dễ gãy đổ nằm gần nhà ở, lưới điện; sơ tán người già, trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến nơi trú ẩn an toàn, không trú mưa dưới bóng cây, tránh ra đường khi không cần thiết; cắm các biển báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân... Để công tác tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện, UBND các xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: - Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai để chủ động phòng, tránh có hiệu quả và đảm bảo thông tin, báo cáo kịp thời. - Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai đúng quy định 12/24 giờ vào mùa khô, 24/24 giờ trong mùa mưa để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tình huống sự cố xảy ra trên địa bàn huyện. - Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế của địa phương, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó khi có tình huống xảy ra. - Khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành phải chủ động tổ chức, huy động kịp thời, thông suốt, đồng bộ trong công tác ứng phó (điều động lực lượng, vật tư, cứu nạn, cứu hộ, di dời người và tài sản) nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Các đơn vị lực lượng vũ trang chủ động lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh điều động của Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện. - Thường xuyên kiểm tra việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, nhằm ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, UBND huyện còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã cần xây dựng, củng cố lực lượng xung kích, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tại nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn đến cộng đồng dân cư. Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chấp hành nghiêm các hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; đồng thời, tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.