Làm giàu từ trồng rau sạch

Thứ ba - 06/12/2016 22:13
Trăn trở về nguồn cung ứng rau sạch cho người dân, chị Đỗ Thị Đạt, thôn 11, xã Long Hà đã tìm tòi học hỏi phương thức trồng rau sạch và bắt tay cùng chồng, con cải tạo thửa đất, biến đất cằn thành vườn rau xanh mướt. Bằng kinh nghiệm trồng rau của mình, cộng với quyết tâm làm ra những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng phục vụ bà con; sau bao gian nan vất vả, giờ đây gia đình chị đã có 3 ha rau, mỗi ngày xuất ra thị trường hơn một tấn rau sạch và đem lại nguồn lợi kinh tế cao.

Biến đất cằn thành vườn rau…

Hàng ngày mang rau đi bán ở chợ, thấy mọi người băn khoăn về chất lượng rau và than thở về việc rau nhập không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn, trong khi giá thành lại cao. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Đạt bàn bạc với chồng mở rộng vườn rau của gia đình. Năm 2012, khi mới bắt tay vào mở rộng mô hình trồng rau sạch nhưng không có đất phải đi mượn. Trồng được một thời gian, chị phải trả lại cho đất, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, chị vay mượn cộng với số tiền tích góp và mua hơn 2 ha đất trồng điều gần nhà.

Thửa đất của gia đình chị mua khi đó không bằng phẳng và rất nhiều sỏi đá. Để có thể đưa vào canh tác, gia đình chị phải vay vốn thuê nhân công dọn đá rất tốn kém. Dọn đến đâu chị trồng rau đến đó. Từng bước chị hoàn thiện mô hình của mình bằng kinh nghiệm bản thân. Bên cạnh đó là sự trợ giúp đắc lực của người con trai cả.

Bước đầu sản xuất và nhân rộng mô hình tuy ít gặp rủi ro nhưng khá tốn kém. Ước tính, để có thể hoàn thiện mặt bằng đất canh tác, cùng hệ thống tưới tiêu tự động, gia đình chị Đạt đã phải huy động vốn từ khắp nơi đến hơn 1 tỉ đồng. Trong khi đó, vì số lượng ít và cũng chưa có nhiều người biết đến nên đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn giai đoạn đầu. Nhưng nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo sạch, ngon và rẻ nên dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Càng ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm rau sạch của gia đình chị Đạt, sản xuất ra được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Và cũng từ đó, thương hiệu rau sạch của gia đình chị vươn ra xa hơn. Từ đầu mối chính là chợ Bù Nho, Nông trường 6, đến nay đã vươn ra các địa phương khác trong tỉnh.

Chia sẻ về cách làm mô hình trên, chị Đạt cho hay: “Rau là sản phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Nhận thấy rau Đà Lạt, chợ đầu mối Thủ Đức đưa về qua nhiều công đoạn vận chuyển nên chất lượng sản phẩm giảm sút, giá thành lại cao. Trong khi rau mình trồng tại địa phương chất lượng đảm bảo, sản phẩm bảo quản được lâu hơn, ăn ngon hơn thì tại sao mình lại không làm…”

Và đem lại sản phẩm chất lượng

Đến nay, sau 3 năm vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, gia đình chị đã có 3 ha rau. Bình quân 1 ngày, gia đình chị xuất hơn 1 tấn rau sạch các loại đi khắp nơi. Tính trung bình 1 tháng, sau khi trừ hết chi phí giống, công chăm bón,… gia đình chị thu về khoản lợi nhuận trên 100 triệu. Với thành công bước đầu ấy, gia đình chị đã trang trải hết nợ nần. Ngoài 3 ha rau hiện tại, gia đình chị cũng đang dự định thuê nhân công mở rộng diện tích đất canh tác và hoàn thiện hệ thống tưới tiêu để đưa vào sản xuất rau sạch.

Chị Đạt chia sẻ: Con trai cả Nguyễn Hữu Phước tuy theo học giao thông vận tải nhưng nó có cùng chung ý tưởng với mẹ và đam mê theo đuổi mô hình trồng rau sạch. Ngoài thời gian học, Phước mày mò tìm hiểu những cách thức trồng rau sạch, an toàn từ khắp nơi trên cả nước thông qua Internet, sau đó kết hợp cùng mẹ thử nghiệm những cách làm ấy trên chính mô hình của gia đình mình. chị Đạt cùng con trai đã thành công trong việc áp dụng tạo những chế phẩm sinh học đưa vào sản xuất. Sản phẩm rau làm ra đạt chất lượng cao và để được lâu.

Để sản xuất ra những sản phẩm rau sạch đạt chất lượng, ngoài kinh nghiệm hơn 10 năm trồng rau, chị kết hợp cùng con trai tìm hiểu những cách làm của những nơi khác. Nguồn phân bón, chị tận dụng những lá rau già, ủ thành phân bón, vừa sạch vừa hiệu quả lại tiết kiệm. Thuốc trừ sâu chị cũng sử dụng những chế phẩm sinh học hay thuốc chế biến từ tỏi, ớt, gừng, đường ủ,… dùng để trừ sâu. Trong quá trình sản xuất rau, chị hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Vì chị luôn tâm niệm sản xuất để phục vụ bà con và bảo đảm sức khoẻ cho mọi người.

Mô hình trồng rau sạch đạt chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình chị Đạt, anh Vĩnh đã được hội nông dân mà cả chính quyền địa phương rất quan tâm. Theo ông Hưng, chủ tịch hội nông dân xã Long Hà, từ khi mô hình được khởi dựng năm 2012, hội nông dân xã đã tới tìm hiểu, từ đó giới thiệu cho các hộ nông dân khác. Nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình, hội đã kết hợp với chính quyền địa phương đề đạt với các cấp các ngành, giới thiệu mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi đây là cách làm mới, hướng đến sức khoẻ người tiêu dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, địa phương rất mong muốn mô hình được nhân rộng hơn, phát triển đa dạng hơn, đem lại những thành quả tốt đẹp về mọi mặt, đặc biệt là giúp người dân địa phương học hỏi, có những hướng đi sáng tạo, nhằm đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển./.


Chị Đỗ Thị Đạt bên vườn rau của mình.

Tác giả bài viết: Vũ Nguyện
Nguồn tin: baochinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay30,157
  • Tháng hiện tại210,202
  • Tổng lượt truy cập10,117,219
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây