BÀN VỀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY BỘ MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN, GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TẠI CÁC TRƯỜNG THCS, THPT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ RIỀNG

Chủ nhật - 16/10/2016 22:28

Môn học Giáo dục công dân (GDCD) trong chương trình giáo dục phổ thông đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục học sinh về ý thức và hành vi, góp phần trang bị cho học sinh kỹ năng sống, rèn luyện ý thức sống của người công dân, góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết của công dân trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và cũng không hề đơn giản trước những làn sóng văn hóa của thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế thị trường. Đặc biệt là khi chúng ta đang quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển con người toàn diện thì hơn bao giờ hết, bộ môn GDCD giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là môn học cần thiết, không chỉ trang bị cho người học những tri thức đạo đức mà điều quan trọng là rèn luyện cho học sinh thói quen, kỹ năng và thực hiện hành vi quan hệ giao tiếp, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. 

Tuy nhiên theo kết quả đánh giá sơ bộ của Đoàn khảo sát 365 của Huyện ủy về tình hình giảng dạy bộ môn giáo dục công dân, giáo dục đạo đức cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện,  bên cạnh những kết quả đạt được như  các trường đã có nhiều bước đột phá, đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn GDCD và giáo dục đạo đức học sinh, từng bước hoàn thiện cách dạy và cách học của bộ môn GDCD. Thông qua môn học đã trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản về các giá trị đạo đức, pháp luật, lối sống, đồng thời hình thành và phát triển ở học sinh những tình cảm, niềm tin, những hành vi và thói quen phù hợp với những giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong thực tế thực trạng giảng dạy bộ môn GDCD nói riêng và giáo dục đạo đức cho học sinh tại các trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn huyện cũng còn tồn tại những bất cập nhất định.

Mặc dù cấp ủy Chi bộ, ban giám hiệu các trường đã nhận thức, xác định được vị trí, tầm quan trọng của bộ môn GDCD trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh, song đến thời điểm hiện nay, trong tâm niệm của của đa số phụ huynh và học sinh vẫn còn lối suy nghĩ bộ môn GDCD là bộ môn phụ trong nhà trường, là môn học không có trong các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay thi đại học nên học sinh thường học chỉ để có đủ điểm, bỏ qua vấn đề suy ngẫm, tìm hiểu thêm kiến thức đằng sau mỗi bài học, thậm chí là học qua loa, học cho xong.

 Dù các trường đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong  đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng vẫn còn “bó khung” trong khuôn khổ của lớp học, giờ dạy nặng tính lý thuyết, thiếu những tư liệu, trích đoạn “người thật việc thật”, những tình huống “thật”… cho nên sức thuyết phục, độ cảm xúc của bài dạy chưa cao. Hơn nữa thời lượng dành cho môn GDCD chỉ có 1 tiết/ tuần mà lượng kiến thức thì khá nhiều, không chỉ riêng nội dung chính thức mà nhiều nội dung giáo dục khác nhau cũng "bị giao" cho môn GDCD để “tích hợp” nên việc dạy học mang nặng tính khái quát,  giáo viên không có nhiều thời gian giảng dạy cặn kẽ cho học sinh những nội dung, vấn đề nào đó mà học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn.

Công tác phối hợp giữa cấp uỷ, Ban Giám hiệu với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã được thực hiện tuy nhiên kết quả vẫn chưa phát huy hết nội lực, mối tương quan trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho các em chưa được thể hiện rõ nét. Từ đó, phần lớn tại các trường vẫn còn tình trạng một bộ phận nhỏ học sinh chấp hành chưa nghiêm túc nội quy nhà trường, động cơ, ý thức thái độ học tập yếu, thiếu lễ phép với người lớn…

Thiết nghĩ, trước thực trạng  trên, trong giảng dạy bộ môn giáo dục công dân, giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Thứ nhất, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cần sớm khắc phục tình trạng phó mặc nhiệm vụ này cho nhà trường, mà phải có sự kết hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh. Nhằm hướng tới một mục đích chung cuối cùng là “giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh”

Thứ hai, có thể nói môn GDCD là môn khoa học dạy làm người, chính vì thế cần có một cái nhìn đúng mực về vai trò, vị trí của môn học này trong giáo dục đạo đức cho học sinh, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp để khơi dậy được niềm đam mê của học sinh đến với môn học. Chương trình giảng dạy phải vừa đáp ứng được yêu cầu của ngành phải vừa thỏa mãn nhu cầu của học sinh. Mạnh dạn đưa những vấn đề mà học sinh còn đang lúng túng, băn khoăn chưa biết định hướng vào môn học, có thể quy đổi một số bài trong chương trình để cho học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu để dạy những bài xuất phát từ thực tiễn xã hội đang nảy sinh mà không chờ đến các tiết ngoại khóa, tăng tiết thực hành giờ dạy ngoài lớp. Có như vậy thì tính giáo dục và hiệu quả thực tiễn sẽ được nâng cao.

Thứ ba, muốn giáo dục đạo đức cho học sinh qua giảng dạy bộ môn GDCD đạt hiệu quả thì người giáo viên không đơn giản là người có tri thức, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng, mà còn phải là người có tác phong chuẩn mực, tư cách đạo đức tốt, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Mỗi giáo viên phải nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên cập nhật thông tin quan trọng và chính thống về tình hình địa phương, trong nước, tỉnh, huyện và địa phương để tích hợp nội dung cho bài giảng thêm sinh động. Mặt khác cũng cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục bộ môn GDCD qua việc thường xuyên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi; hội thảo bàn về chất lượng bộ môn, tập hợp những giáo án tốt, phổ biến cho các trường tham khảo và làm tư liệu.

Thứ tư là phải nêu cao được ý thức trách nhiệm phấn đấu tự học và tự rèn luyện nhân cách của học sinh trong việc giáo dục đạo đức. Đây là yếu tố đóng một vai trò quan trọng, bởi cho dù thầy có tài giỏi đến mấy nhưng ý thức phấn đấu học tập của trò không có thì cũng không đem lại kết quả tốt được. Chính vì thế cần có sự phối hợp giữa Ban Giám hiệu nhà trường với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để có 1 chế tài nhất định khuyến khích ý thức tự học tự rèn của học sinh như mạnh dạn cho điểm thực hành bên cạnh điểm lý thuyết để học sinh có ý thức rèn luyện những phẩm chất đạo đức và kỹ năng đã học, hay bên cạnh những phần thưởng về học lực cũng nên có những phần thưởng hạnh kiểm cho học sinh ngoan vào cuối học kỳ và năm học. Giới thiệu những tấm gương học sinh ngoan cho các bạn học tập vào các tiết chào cờ đầu tuần thay vì chỉ nêu gương người tốt việc tốt không phải tại trường.

Nếu giải quyết hài hòa được các vấn đề nêu trên sẽ từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn GDCD nói chung và giáo dục đạo đức học sinh nói riêng, góp phần  giáo dục, phát triển con người toàn diện theo đúng quan điểm định hướng về phát triển giáo dục đào tạo được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng
 


Một tiết dạy GDCD tại trường THPT Nguyễn Khuyến
(xã Bù Nho – huyện Phú Riềng).


Đoàn khảo sát 365 làm việc với chi bộ, BGH trường THCS Lý Tự Trọng
(xã Bình Tân – huyện Phú Riềng)

Tác giả bài viết: Lan Anh
Nguồn tin: baochinhphu.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay3,293
  • Tháng hiện tại299,586
  • Tổng lượt truy cập10,496,034
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây