Bình Phước tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030

Chủ nhật - 05/12/2021 10:27
Bình Phước tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030
Tỉnh ủy Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”.
Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nội dung liên quan nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác giảm nghèo; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, huy động nguồn lực trong xã hội cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
 

Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước trao nhà ở Đại đoàn kết và tặng quà cho bà con đồng bào DTTS vùng biên giới huyện Lộc Ninh
 Có chính sách khuyến khích, động viên hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Giảm dần đầu tư trực tiếp, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết, theo chuỗi giá trị, các dự án giảm nghèo hiệu quả; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ cải thiện, nâng cao mức sống cho hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội để bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn nghèo nhằm sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, bình quân mỗi năm giảm giảm 2.000 đến 2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, như: thực hiện hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn; đảm bảo nguồn vốn vay cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định; đến năm 2030, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.
Kế hoạch số 47-KH/TU đã đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể:
1. Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Ban hành và triển khai thực hiện Quy định “Phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân phụ trách công tác giảm nghèo từ tỉnh đến khu dân cư”. Lấy mức độ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội hàng năm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo
 Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa, đồng thời phát hiện các hành vi trục lợi chính sách giảm nghèo để có biện pháp đẩy lùi, ngăn chặn. Tổ chức thực hiện hiệu quả dự án truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin, tạo điều kiện cho hộ nghèo có phương tiện tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông.
 Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của hộ nghèo, thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững, giúp cho hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình, nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, phấn đấu “Vì một Bình Phước không còn đói nghèo’’. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu.
3. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và theo từng giai đoạn.
Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với các giải pháp phù hợp để cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đảm bảo mỗi hộ nghèo khi đăng ký thoát nghèo theo Chương trình đều được hỗ trợ kinh phí phù hợp với nhu cầu gắn với điều kiện cụ thể.
Triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin... Khơi dậy ý chí tự lực, nỗ lực vươn lên của người nghèo, địa bàn nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng từ đó từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân chung cả nước.
Xây dựng và hoàn thiện Đề án “Thực hiện chính sách an sinh xã hội hỗ trợ hàng tháng đối với các thành viên hộ nghèo bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025”.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, đảm bảo các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội cơ bản khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo
Sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương; tiếp tục bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để thực hiện Chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Huy động nguồn vốn từ “Quỹ vì người nghèo” của tỉnh thông qua việc kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua các phong trào, cuộc vận động ‘Tháng hành động vì người nghèo”; ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” của tỉnh và các địa phương.
Huy động sự đóng góp của người dân cùng góp vốn thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia thực hiện Chương trình.
5. Tiếp tục đối mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nưóc về giảm nghèo
Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia, ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể để chỉ đạo, điều hành công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp đảm bảo thống nhất, đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, đặc biệt đối với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao.
 Tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh về nguồn lực, về tổ chức thực hiện cho cấp cơ sở để chủ động tổ chức thực hiện, cấp tỉnh và cấp huyện chỉ phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình, kết quả thực hiện.
Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Chính phủ; xây dựng đội ngũ điều tra viên có chất lượng để tổ chức thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo kết quả chính xác, đúng thực trạng; thực hiện phương pháp quản lý hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý, khoa học làm cơ sở để đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp theo từng nhóm hộ nghèo, từng khu vực; có biện pháp quyết liệt, cương quyết đối với các hộ có đủ điều kiện tổ chức sản xuất, học tập, lao động nhưng có tư tưởng trông chờ thụ hưởng chính sách. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác giảm nghèo bền vững.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh./.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay19
  • Tháng hiện tại247,447
  • Tổng lượt truy cập10,154,464
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây