Điểm tin văn bản mới nổi bật Tuần 51 Năm 2021 ( Từ ngày 20/12 đến ngày 26/12/2021)

Thứ ba - 28/12/2021 09:39
  1. Ưu tiên vốn ODA không hoàn lại cho phòng chống dịch bệnh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong đó ưu tiên vốn ODA không hoàn lại cho phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể việc ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định như sau:
- Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án:
+ Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội;
+ Tăng cường năng lực;
+ Hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách;
+ Phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu;
+ Tăng trưởng xanh;
+ Đổi mới sáng tạo, an sinh xã hội;
+ Chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
(So với trước đây, bổ sung các chương trình, dự án: cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo)
- Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực:
+ Y tế;
+ Giáo dục, giáo dục nghề nghiệp;
+ Thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường;
+ Hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
- Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho:
+ Chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;
+ Chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
Nghị định 114/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/12/2021 và thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP.
  1. Chó, mèo đã tiêm ngừa Dại được đeo vòng cổ để nhận diện
Chó, mèo đã tiêm ngừa Dại được đeo vòng cổ để nhận diện là nội dung được đề cập tại Quyết định 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030".
Theo đó, việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo được quy định như sau:
* Yêu cầu chung về tiêm vắc xin Dại
- Đối tượng và phạm vi tiêm phòng: Toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trong địa bàn cấp xã; chó, mèo đã tiêm vắc xin Dại nên được đánh dấu để nhận diện (vòng đeo cổ).
- Thời điểm và tần suất: Hằng năm, ưu tiên tiêm vào trước thời điểm nắng nóng, trước mùa hè. Tổ chức tiêm vắc xin Dại cho trên 70% đàn chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch, mới nuôi, bảo đảm tối thiểu 1 lần/năm trong giai đoạn 2022 - 2025; tiêm vắc xin Dại cho trên 80% đàn chó, mèo thuộc diện tiêm trong giai đoạn 2026 - 2030; thường xuyên rà soát, tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh.
- Sử dụng vắc xin: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin hoặc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Tổ chức tiêm vắc xin Dại
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí; phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo trên phạm vi cấp tỉnh đồng loạt vào cùng một thời điểm; chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bắt chó, mèo để tiêm vắc xin Dại.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bố trí các lực lượng thống kê đàn chó, mèo nuôi; tuyên truyền, vận động chủ nuôi chó, mèo chủ động kinh phí tiêm vắc xin Dại; phối hợp với cơ quan thú y để triển khai tiêm vắc xin Dại đảm bảo đạt yêu cầu, phối hợp tổ chức hướng dẫn, giám sát việc tiêm phòng và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại, đánh giá kết quả tiêm phòng, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại khu vực đã tổ chức tiêm phòng.
- Nhân viên thú y cấp xã, những người có chứng chỉ hành nghề thú y, các cơ sở có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh cho chó, mèo thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo, cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng và báo cáo số liệu tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương theo quy định.
Quyết định 2151/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/12/2021.
  1. Thủ tướng: Không tổ chức hoạt động tập trung đông người dịp Tết 2022
Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2022 là nội dung được đề cập tại Thông báo 347/TB-VPCP ngày 22/12/2021 về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu về tổng thể, các nguyên lý, 3 trụ cột phòng chống dịch (cách ly - xét nghiệm - điều trị) và công thức “5K+ vắc xin, thuốc điều trị + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”... đã được đúc kết là phù hợp, khoa học, sát thực tế.
Các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm, cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và tết Nguyên đán, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu:
(i) người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy...;
(ii) vắc xin là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn đối với công tác phòng, chống dịch;
(iii) bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc, động viên tinh thần cho người bệnh, kết hợp đồng y và tây y trong điều trị.
Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp.
Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin tổ chức tiệm an toàn, nhanh nhất. Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi;
Hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 01 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Chi tiết tại Thông báo 347/TB-VPCP ngày 22/12/2021.
  1. Kịp thời cấp thẻ BHYT cho người thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới từ năm 2022
Ngày 21/12/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 4242/ BHXH-TST gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 (Nghị định số 07) của Chính phủ.
Theo Nghị định số 07: Từ năm 2022, chuẩn nghèo đa chiều thực hiện theo tiêu chí thu nhập là 1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (hiện nay, chuẩn nghèo đa chiều theo tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng).
Để người dân được hưởng chính sách BHYT theo Nghị định số 07 kịp thời, đúng quy định, BHXH Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo một số nội dung sau:
Thứ nhất, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan và UBND huyện triển khai việc rà soát, kịp thời lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chuyển cho cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT kể từ ngày 01/01/2022 theo quy định.
Thứ hai, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về Nghị định số 07. Đặc biệt là người thuộc hộ gia đình nghèo tiếp cận đa chiều theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg trước kia được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, nay không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP để người dân hiểu, chủ động tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Thứ ba, bố trí ngân sách địa phương, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nghèo đa chiều và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn./.

Nguồn tin: Đức Trọng (TH):

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay10,318
  • Tháng hiện tại310,889
  • Tổng lượt truy cập9,827,337
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây