- Đến 2025, trung bình hằng năm giảm 4% tần suất TNLĐ chết người
Đây là nội dung tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 16/02/2022 ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 đơn cử như:
- Trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) chết người.
- Trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động (NLĐ) được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.
- Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp,…được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ.
- Trên 80% số NLĐ làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ;…
- Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về ATVSLĐ.
- Trên 80% người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định.
- 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định.
Chi tiết tại Nghị quyết 19/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 16/02/2022.
- Từ 18/02/2022, không cần mang giấy khai sinh, giấy kết hôn khi làm TTHC
Theo Thông tư 01/2022/TT-BTP, từ ngày 18/02/2022 người dân đi làm thủ tục hành chính không cần mang giấy khai sinh, giấy kết hôn vì đã có bản điện tử.
Cụ thể, Thông tư 01/2022/TT-BTP ban hành kèm theo bản điện tử giấy tờ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác bao gồm:
+ Nội dung bản điện tử giấy tờ hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; Giấy báo tử (Phụ lục 1);
+ Nội dung các biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác tích hợp, phục vụ đăng ký hộ tịch trực tuyến (Phụ lục 2).
Đồng thời, Thông tư 01/2022/TT-BTP cũng quy định giá trị pháp lý của bản điện tử giấy tờ hộ tịch được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Biểu mẫu điện tử giấy tờ hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành, cung cấp thông tin hộ tịch hoặc nguồn tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, có giá trị như giấy tờ hộ tịch.
- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chấp nhận, sử dụng, không được yêu cầu cá nhân nộp hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch để đối chiếu.
Như vậy, từ ngày 18/02/2022, người dân có thể sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch (giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…) để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho bản giấy.
2. Hướng dẫn ứng dụng giá trị pháp lý của bản điện tử giấy tờ hộ tịch
- Bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Mã QRcode trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của giấy tờ hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch do người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, xuất trình có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QRCode trên bản điện tử của giấy tờ đó.
Thông tư 01/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 18/02/2022.
- Bổ sung một số nhiệm vụ của Sở Tài chính
Thông tư 04/2022/TT-BTC hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính địa phương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã bổ sung một số nhiệm vụ của Sở Tài chính.
Cụ thể, so với Thông tư liên tịch 220/2015/TTLT-BTC-BNV thì Thông tư 04/2022/TT-BTC đã bổ sung một số nhiệm vụ của Sở Tài chính, đơn cử như:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ về giám định tư pháp thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
- Tổng hợp các chỉ tiêu thông kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài chính và Chế độ bảo cáo thống kê ngành Tài chính theo quy định.
- Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Tài chính trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
- Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức thực hiện đúng chế độ kê khai, cấp, đăng ký sử dụng mã số đơn vị quan hệ ngân sách và triển khai các công việc khác được phân công theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu nợ chính quyền địa phương.
- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Thông tư 04/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 220/2015/TTLT-BTC-BNV./.
- Quy định mới về mức giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19
Ngày 18/02/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế như sau:
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn:
Mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.
(Hiện hành, theo Thông tư 16/2021/TT-BYT mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm).
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn:
Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.
(Hiện hành, mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm).
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
+ Trường hợp mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng xét nghiệm.
(Hiện hành, mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).
+ Trường hợp gộp mẫu: Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định tại cột 2 mục IV Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BYT ngày 18/02/2022.
Thông tư 02/2022/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 21/02/2022 và thay thế Thông tư 16/2021/TT-BYT ngày 08/11/2021.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):