Những nông dân huyện Phú Riềng tâm huyết giữ gìn thương hiệu điều Bình Phước

Thứ tư - 16/03/2022 21:23
Những nông dân huyện Phú Riềng tâm huyết giữ gìn thương hiệu điều Bình Phước
Hạt điều Bình Phước được biết đến bởi hương vị và chất lượng thơm ngon nhất so với hạt điều thế giới. Bình Phước còn là thủ phủ cây điều với năng suất và kim ngạch xuất khẩu luôn chiếm vị trí số 1 cả nước. Tuy nhiên, cây điều đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như diện tích sụt giảm, giá cả bấp bênh, vườn cây già cỗi, sức chống chịu với sâu bệnh và biến đổi khí hậu… Năm nay, người trồng điều lại đang thấp thỏm, lo lắng vì vụ điều mất mùa, mất giá. Thế nhưng không ít nông hộ của huyện Phú Riềng vẫn có bí quyết riêng để giữ năng suất vườn điều…
Gắn bó với cây điều, kinh tế gia đình anh Vi Văn Toản ở thôn 8, xã Long Bình, huyện Phú Riềng khấm khá nhờ cây điều nên dù giá cả, mùa vụ có năm được, năm mất nhưng anh vẫn chọn điều là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Với 3 ha điều ghép đang cho thu hoạch ở giai đoạn sung sức, năng suất bình quân đạt trên 3 tấn/ha, có vụ đạt trên 4 tấn/ha.
Anh Toản cho biết: Để giữ năng suất ổn định, chỉ dựa vào kinh nghiệm là chưa đủ, mà phải luôn cập nhật tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì mới nâng cao hiệu quả. Bón phân ngay vào thời điểm kết thúc thu hoạch nhằm giúp cây phục hồi trở lại sau thời gian dài cho trái.


Gia đình anh Vi Văn Toản trồng giống điều ghép tuyển chọn tại địa phương cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt.
2 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ điều gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đã có không ít nông dân phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để có lợi nhuận cao hơn. Thế nhưng mỗi năm, gia đình anh Toản đều mở rộng thêm diện tích, từ 1 ha nay đã lên 3 ha và chỉ trồng giống điều ghép tuyển chọn tại địa phương cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết để thay thế dần giống cũ... Đây là cách để vườn điều tăng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng hạt qua từng năm.
Còn với lão nông Đàm Văn Thanh ở thôn Phú Thành, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng thì 4 ha điều là nguồn thu chính của gia đình nên ông luôn đầu tư chăm sóc đúng mức. Vụ năm nay, hầu hết vườn điều trên địa bàn xã giảm năng suất vì mưa trái mùa, trái non bị khô đen, nhưng với gia đình ông Thanh, nhờ biết chăm sóc đúng thời điểm, cộng thêm sử dụng thuốc, bón phân đúng cách nên năng suất vẫn đạt, dự đoán khoảng 3 tấn/ha. Theo ông Thanh, điều quan trọng nhất để tăng năng suất cây điều là việc chăm sóc sau thu hoạch, tỉa cành, tạo chồi và xử lý thuốc bảo vệ thực vật phù hợp trong lúc điều ra bông, đậu trái. Làm tốt 3 khâu này trong từng giai đoạn sẽ giúp cây phát triển đồng đều, tỷ lệ ra bông, đậu trái cao, cho năng suất vượt trội.
 “20 năm trồng điều nhưng chưa năm nào tôi thất thu dù thời tiết có biến động thất thường” - nhà nông Phạm Văn Ánh ở thôn 8, xã Long Bình, huyện Phú Riềng tự tin chia sẻ. Nhìn vườn điều xanh tốt, trĩu trái đang vào vụ thu hoạch mới thấy tâm huyết của ông dành cho cây điều. Gần nửa cuộc đời gắn bó với cây điều, ông Ánh hiểu cây điều như chính bản thân mình, vườn điều vì vậy luôn cho năng suất trên 4 tấn/ha/năm. Ông Ánh cho hay: “ Đất canh tác nhiều năm, thành phần khoáng vi lượng trong đất thường cạn kiệt, phải được bổ sung đầy đủ bằng phân bón để cây đạt năng suất cao hơn. Tối thiểu nhất trong 1 năm cây điều phải được bón phân 2 lần để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cây ra bông, kết trái. Đặc biệt giữa các hàng cây, tôi khoan hố và bón phân bò để cải tạo đất”.
Gắn bó với cây điều không chỉ là thu nhập mà còn là tình yêu của ông với nông nghiệp. Vì đam mê, mỗi ngày ông luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để giữ được các giống điều địa phương năng suất cao.
Ông Phạm Văn Ánh, thôn 8, xã Long Bình, huyện Phú Riềng chia sẻ: “Mong muốn của tôi là giữ lại nguồn gen quý của các giống điều truyền thống nên qua mỗi vụ, tôi đều chọn các cây cho năng suất cao, ổn định và chất lượng đồng đều trong vườn để tuyển các bộ giống riêng, sau đó tiến hành ghép thử nghiệm trong vườn. Nhờ vậy, năng suất vườn điều nhà tôi luôn đạt trên 4 tấn/ha và ổn định từ 4-5 tấn/ha khi vào thu hoạch chính; chất lượng hạt điều mẩy, sáng, dù mấy năm gần đây thời tiết luôn bất lợi”.


Nhà nông Phạm Văn Ánh, thôn 8, xã Long Bình, huyện Phú Riềng tự tuyển các cây điều năng suất cao trong vườn để ghép và giữ lại giống điều địa phương
 Nói về đam mê học hỏi của nhà nông Phạm Văn Ánh, ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình cho biết thêm: “ Ông Ánh tự mày mò, học hỏi kỹ thuật ghép, thực hành trên chính vườn điều của mình sau đó chia sẻ giống cho các hộ xung quanh nên người dân yên tâm giữ vững diện tích cây điều. Hiện cây giống do ông Ánh tự tay ghép đã được rất nhiều người dân trong, ngoài tỉnh đặt mua về trồng và cho những phản hồi tích cực. Mỗi năm, ông Ánh cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn cây giống, góp phần cùng với ngành nông nghiệp bảo tồn giống điều truyền thống, thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững”.
Huyện Phú Riềng có hơn 20.000 ha điều đang cho thu hoạch, trong đó xã Long Bình có 2.338 ha. Ở thời điểm cây điều đang suy giảm cả về năng suất, sản lượng và giá cả, cách làm sáng tạo, tâm huyết của các lão nông như ông Ánh, ông Toản… đã tiếp thêm năng lượng cho người trồng điều, như là cách để họ trả ơn cây điều.
Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của cả nước, chiếm hơn 50% diện tích và 54% sản lượng. Trong quy hoạch phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh, điều vẫn là cây trồng chiếm diện tích lớn nhất và cũng là mặt hàng nông sản đứng đầu về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Chính vì thế, cùng với công nghiệp chế biến, ngành điều đang rất cần những nông hộ kiên trì gắn bó, không quay lưng với cây điều, đầy tâm huyết và trách nhiệm như ông Toản, ông Ánh…
Ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, huyện Phú Riềng cho biết thêm: “Ðiều dễ trồng, không kén đất, chịu đựng khô hạn tốt, vốn đầu tư cũng như công chăm sóc không nhiều, đó là điều ai cũng biết nên một thời được gọi là cây xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, nay điều đã trở thành cây làm giàu khi nông dân biết cải tiến, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cây điều vẫn được chọn là một trong những sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh. Bình Phước cũng đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá đối với loại cây trồng này như: tái cơ cấu ngành điều theo hướng tăng năng suất, chất lượng, duy trì diện tích vùng điều; kết nối tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh chế biến sâu nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước./.

Nguồn tin: Đức Trọng Nguồn BPO

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập657
  • Hôm nay29,308
  • Tháng hiện tại240,227
  • Tổng lượt truy cập10,147,244
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây