- Công điện 170/CĐ-TTg: Chỉ đạo khẩn về tiêm vaccine và đẩy mạnh phòng, chống COVID-19
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 170/CĐ-TTg ngày 23/02/2022 về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo. Nhằm giữ vững, củng cố và AAphát huy thành quả phòng chống dịch đã đạt được, tiếp tục mở cửa, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế:
- Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vắc xin để thực hiện Chiến dịch theo quy định.
- Thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vắc xin, thuốc, công nghệ, sinh phẩm, kít xét nghiệm... mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến mới của tình hình.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm... Kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
- Tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người nhiễm COVID-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường và thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
- Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I năm 2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin.
- Tổ chức tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”; đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, người có bệnh nền, người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế...; xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, đúng quy định.
Chi tiết các yêu cầu khác tại Công điện 170/CĐ-TTg ngày 23/02/2022.
- Triển khai dán thẻ thu phí tự động không dừng trên ô tô
Ngày 22/02/2022, Thủ tướng có Công điện 155/CĐ-TTg về triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).
Theo đó, để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương:
+ Chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí;
+ Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công từ ngày 01/6/2022.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện.
Chi tiết tại Công điện 155/CĐ-TTg ngày 22/02/2022.
- Hướng dẫn điều trị trẻ em là F0 mức độ nhẹ không dùng thuốc
Ngày 22/02/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 405/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán điều trị COVID-19 ở trẻ em.
Theo đó, hướng dẫn điều trị trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ không dùng thuốc như sau:
- Nằm phòng cách ly hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế.
- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
- Theo dõi:
+ Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt
+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm quy định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường.
Khi có dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
*Cân nhắc điều trị tại cơ sở cơ sở y tế nếu trẻ có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng.
Quyết định 405/QĐ-BYT có hiệu lực ngày 22/02/2022 và thay thế Quyết định 5155/QĐ-BYT ngày 08/11/2021.
- Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ thiết bị y tế phòng, chống COVID-19
Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi là nội dung tại Công văn 854/BYT-TB-CT vừa được Bộ Y Tế ban hành về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế tăng cao, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường thực hiện:
- Kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết;
Kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.
Đồng thời, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn:
- Chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt với bộ xét nghiệm SAR-CoV-2 và máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2,...
- Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Công văn 854/BYT-TB-CT ban hành ngày 23/02/2022.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):