- Định hướng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Quốc hội thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó có nội dung định hướng sử dụng đất quốc gia, đơn cử như:
- Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý;
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước;
Nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới.
Ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh.
Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 81/2023/QH15./.
- Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm
Nội dung này được quy định tại Thông tư 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm CDNN chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong ĐVSN công lập do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành ngày 30/12/2022.
Theo đó, quy định về bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm như sau:
(1) Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-BNV .
(2) Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục VII.
(3) Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng như đối với các vị trí việc làm quy định tại khoản (2), bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Riêng đối với vị trí việc làm Lưu trữ viên hạng III và Lưu trữ viên hạng IV được sử dụng chung với vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lưu trữ thuộc ngành, lĩnh vực nội vụ.
(4) Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục VIII.
(5) Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Phụ lục IX.
Xem chi tiết tại Thông tư 12/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
- Danh mục phương tiện dùng để phát hiện vi phạm giao thông phải kiểm định
Nội dung đề cập tại Thông tư 51/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thuộc ngành Giao thông vận tải.
Theo đó, việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 23/2013/TT- BKHCN , Thông tư 07/2019/TT-BKHCN .
Trong đó, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi đưa vào sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính giao thông phải đáp ứng yêu cầu về kiểm định, gồm:
- Phương tiện đo độ dài;
- Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới;
- Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh;
- Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở;
- Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh;
- Phương tiện đo độ ồn;
- Phương tiện đo nồng độ khí thải;
- Phương tiện đo độ sâu của nước;
- Phương tiện đo vận tốc dòng chảy của nước.
Thông tư 51/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/3/2023 và thay thế Thông tư 06/2017/TT-BGTVT .
- Hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Theo đó, quy định các hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội như sau:
(1) Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
(2) Tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.
Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ đã tiếp nhận.
(3) Tiếp nhận giấy tờ có giá trị;
(4) Tiếp nhận kim khí quý, đá quý;
Thông tư 04/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):