Đảng viên bị cách chức oan được xem xét phục hồi chức vụ
Ngày 18/8/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, trong đó quy định đảng viên bị cách chức oan được xem xét phục hồi chức vụ.
Cụ thể, nếu đảng viên bị kỷ luật oan thì sẽ được tiến hành phục hồi quyền lợi như sau:
- Đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì được phục hồi lại các quyền lợi đã bị ảnh hưởng theo quy định (nhận xét, đánh giá, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng…).
- Đảng viên bị kỷ luật cách chức hoặc cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm (nếu có)... thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị để xem xét phục hồi chức vụ hoặc bố trí vào vị trí công tác, chức vụ tương đương.
- Đảng viên bị kỷ luật khai trừ hoặc đã ra khỏi Đảng thì tổ chức đảng có thẩm quyền phục hồi đảng tịch, phục hồi quyền đảng viên hoặc công nhận là đảng viên (nếu cá nhân có đơn).
Để được phục hồi các quyền lợi trên, đảng viên cần phải đảm bảo các căn cứ sau đây:
- Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
- Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.
Ngoài ra, đảng viên bị kỷ luật oan sẽ còn được công khai xin lỗi trên báo chí của địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp uỷ cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc.
05 trường hợp không thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi
Theo đó, đảng viên bị kỷ luật oan không được xin lỗi và phục hồi quyền lợi trong các trường hợp:
- Sau khi bị kỷ luật oan đã không giữ được tư cách, phẩm chất, tiêu chuẩn đảng viên hoặc vi phạm bị kỷ luật.
- Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan.
- Từ chối việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi.
- Tự ý bỏ sinh hoạt đảng.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và trách nhiệm của đảng viên theo quy định tại Điều 8 Quy định 117-QĐ/TW .
Chi tiết tại Quy định 117-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày ký./.
- Cho phép sử dụng thuốc, vật tư phòng, chống COVID-19 đã mua từ NSNN sang thu dịch vụ với cơ sở KCB
Ngày 18/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 129/NQ-CP về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, tại Nghị quyết 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.
Nguyên tắc thanh toán khi sử dụng thuốc, vật tư phòng, chống COVID-19 đã mua từ NSNN sang thu dịch vụ
Nguyên tắc thanh toán và nộp ngân sách khi sử dụng thuốc, vật tư phòng, chống COVID-19 đã mua từ NSNN sang thu dịch vụ như sau:
- Nguyên tắc thanh toán khi sử dụng cho khám bệnh, chữa bệnh
+ Đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 thuộc danh mục Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán:
++ Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán và thu từ phần đồng chi trả của người bệnh bằng với giá mua vào theo quy định của pháp luật đấu thầu nhưng không được cao hơn giá do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 18/8/2023.
++ Người không có thẻ bảo hiểm y tế: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thu của người bệnh bằng với giá mua vào theo quy định của pháp luật đấu thầu nhưng không được cao hơn giá do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 18/8/2023.
Kể từ ngày 18/8/2023, trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán thì được căn cứ giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, nếu vẫn không có giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thì được thanh toán bằng giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
+ Đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 không thuộc danh mục Bảo hiểm y tế thanh toán: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thu của người bệnh bằng với giá mua vào theo quy định của pháp luật đấu thầu.
- Số kinh phí các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thu được thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chi tiết tại Nghị quyết 129/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 18/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
- Sửa đổi danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam
Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 04/2023/TT-BNNPTNT về Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Theo đó, danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam được chia thành 02 nhóm như sau:
Nhóm I: Những sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì số lượng sinh vật phải kiểm dịch tăng từ 107 lên 112 sinh vật, trong đó:
- A. Côn trùng: 62 sinh vật, trong đó bổ sung 02 sinh vật:
+ Ruồi đục quả Ca- ri- bê – Tên khoa học: Anastrepha suspensa (Loew)
+ Mọt da glabrum – Tên khoa học: Trogoderma glabrum (Herbst)
- B. Nhện: 03 sinh vật
- C. Nấm: 18 sinh vật, trong đó bổ sung 03 sinh vật:
+ Bệnh thối hành – Tên khoa học: Ciborinia allii (Sawada) Kohn
+ Bệnh thối rễ đậu tương – Tên khoa học: Phytophthora sojae Kaufmann et Gerdemann
+ Bệnh đốm lá cúc – Tên khoa học: Stagonosporopsis chrysanthemi (F. Stevens) P.W. Crous, N. Vaghefi & P.W.J. Taylor
Và bỏ Bệnh than đen lúa mì – Tên khoa học: Tilletia indica Mitra ra khỏi nhóm Nấm.
- D. Vi khuẩn: 04 sinh vật
- E. Virus, Viroid: 05 sinh vật, trong đó bổ sung 01 sinh vật:
+ Bệnh virus nhăn nâu quả cà chua – Tên khoa học: Tomato brown rugose fruit virus
- G. Tuyến trùng: 14 sinh vật, trong đó bổ sung 01 sinh vật:
+ Tuyến trùng hoại tử rễ chuối – Tên khoa học: Pratylenchus goodeyi Sher &Allen.
- H. Cỏ dại: 06 sinh vật, trong đó bỏ 01 sinh vật:
+ Cây kế đồng – Tên khoa học: Cirsium arvense (L.) Scop.
Nhóm II: Những sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, phân bố hẹp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì số lượng sinh vật phải kiểm dịch giảm từ 7 xuống còn 5 sinh vật:
A. Côn trùng: 01 sinh vật
B. Tuyến trùng: 01 sinh vật
D. Cỏ dại: 03 sinh vật, trong đó bỏ 01 sinh vật:
+ Tơ hồng Trung Quốc – Tên khoa học: Cuscuta chinensis Lam.
Ngoài ra, cũng bỏ nhóm Virus (Bệnh virus sọc lá lạc – Tên khoa học: Peanut stripe virus) ra khỏi Nhóm II so với Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT .
Thông tư 04/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 29/9/2023 và thay thế Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2014.
Nguồn tin: Đức Trọng (TH):