Nhìn lại 5 năm công tác dân tộc của huyện Phú Riềng - Tự hào và Trách nhiệm trên chặng đường mới.

Thứ hai - 01/07/2024 16:57
Những năm qua, song song với việc thực hiện các hoạt động nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện, huyện Phú Riềng luôn xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Từ đó, huyện quan tâm chỉ đạo, huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực giảm nghèo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều theo chuẩn mới của đồng bào các dân tộc trong huyện. Qua đó luôn giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, an ninh dân tộc.
Phú Riềng là một huyện miền núi, có diện tích tự nhiên là 67 ngàn ha, dân số toàn huyện đến cuối năm 2023 gần 24 ngàn hộ với gần 95 ngàn nhân khẩu. Toàn huyện hiện có 20 thành phần dân tộc thiểu số với khoảng 2.608 hộ, hơn 12 ngàn nhân khẩu, chiếm 12,93% dân số toàn huyện. Đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê, làm mướn và làm công nhân ở các khu công nghiệp; nhiều hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống tương đối ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phú Riềng lần thứ nhất. Trong quá trình triển khai, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Phú Riềng đã tập trung lãnh, chỉ đạo, quán triệt đến toàn thể cán bộ Đảng viên, tuyên truyền phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động. Có thể nói, 5 năm qua công tác Dân tộc được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa -xã hội, quốc phòng an ninh, bằng nhiều chính sách khác nhau như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm …cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các chương trình trọng tâm như Chương trình 134, 135, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị Quyết 30A của Chính Phủ, Chương trình 167,…
Từ năm 2019-2020, huyện đã thực hiện đầu tư 13 công trình đường điện hạ thế; láng đường nhựa giao thông nông thôn; xây dựng sân bê tông, hàng rào nhà văn hóa với tổng kinh phí thực hiện 10,4 tỷ đồng; 1.489 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền là hơn 55 tỷ đồng; hỗ trợ 325 con giống, nông cụ sản xuất, nước sinh hoạt trị giá hơn 9,7 tỷ đồng; thực hiện việc cấp 160 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 158 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 150,5 ha theo Chương trình 134; thực hiện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quy định cho 304 hộ với số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Huyện đã tiếp nhận và trực tiếp vận động xây tặng 143 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 38 căn nhà trị giá hơn 10,6 tỷ đồng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn về nhà ở.
Công tác chăm lo phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Các cấp, các ngành đã tập trung mọi nguồn lực vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp đúng độ tuổi, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục các cấp. Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ kinh phí kịp thời và đúng quy định. Hàng năm ngành giáo dục huyện đều tổ chức học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh là người dân tộc thiểu số; tổ chức hội thi giao lưu Tiếng Việt cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục nói chung và phổ cập giáo dục, xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm, chú trọng và đạt được kết quả tốt, có 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ đạt tỷ lệ 100 %.
Chính sách đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu được huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. 100% người có uy tín đều được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, được hỗ tiền xăng xe theo quy định. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, UBND huyện đều tổ chức thăm, tặng quà cho cá nhân là người có uy tín, già làng tiêu biểu. Hằng năm, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đều tổ chức họp mặt với các vị chức sắc các tôn giáo, già làng, người có uy tín, qua đó cấp ủy đảng, chính quyền gặp gỡ, lắng nghe các vị chức sắc, chức việc, già làng, người có uy tín phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất những ý kiến của đồng bào có đạo, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Góp phần tạo sự đồng thuận chung tay xây dựng huyện Phú Riềng đất thân thiện, người nghĩa tình.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2019-2023, huyện đã thực hiện hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 8.854 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo 100% người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo được cấp thẻ BHYT. Đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở các xã, thôn có đông người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cũng được huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. Nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa của đồng bào dân tộc được sưu tầm, bảo tồn, phục dựng và phát huy; giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Từ đó đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, nhiều nét văn hóa độc đáo của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Trên địa bàn huyện có 01 di tích cấp Quốc gia; 02 di tích cấp tỉnh.
Tình hình sinh hoạt tôn giáo của tín đồ là người dân tộc trên địa bàn cơ bản ổn định, phù hợp với các quy định của pháp luật. Các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp của các tổ chức tôn giáo đã được các cơ quan có thẩm quyền tham mưu giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định.
Qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án, với nguồn đầu tư ngày càng nhiều, từ đó, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số từng bước phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện. Hiện 10/10 xã có điện lưới quốc gia về đến thôn, đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Đường giao thông chính từ huyện về đến trung tâm các xã được nhựa hóa, đường liên thôn được mở rộng, duy tu phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật tư phục vụ sản xuất của đồng bào dân tộc. Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, cơ cấu cây trồng và vật nuôi được chuyển đổi, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn huyện hiện có 26 HTX, với 565 thành viên.
Toàn huyện có 10/10 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 4 xã nông thôn mới nâng cao. Các hộ ĐBDTTS đã tự nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng thực hiện đường giao thông nông thôn; đội ngũ người có uy tín, già làng, các hộ ĐBDTTS luôn tham gia tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” tham gia nguồn lực để xây dựng các nhà văn hóa thôn, tu sửa trường học, đường giao thông nông thôn… Kết quả vận động đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp tiền và ngày công xây dựng nông thôn mới được hơn 9 tỷ đồng.
Với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện tới cơ sở, Phú Riềng đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo; đặc biệt là chương trình giảm nghèo vùng đồng DTTS. Từ các nguồn phân bổ của Trung ương, tỉnh, cũng như xã hội hóa và ngân sách địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Phú Riềng đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời đúng quy định, đúng đối tượng đối với đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 43 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,17% tổng số hộ dân), trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS là 16 hộ, giảm 262 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số so với năm 2019.
Với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, giai đoạn 2024 – 2029, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Phú Riềng sẽ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; thực hiện thắng lợi Nghị Quyết Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phú Riềng lần thứ II đề ra. Góp phần xây dựng quê hương Phú Riềng “phát triển - thân thiện - nghĩa tình”, xây dựng huyện đạt huyện Nông thôn mới trong năm 2024.
Nhiều căn nhà được trao cho các hộ đồng bào DTTS.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng cao

Nguồn tin: Đinh Tịnh - Đức Trọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,537
  • Tháng hiện tại316,731
  • Tổng lượt truy cập10,513,179
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây