Điểm tin văn bản nổi bật tuần 25/2023. ( Từ ngày 12/6 đến ngày 18/6/2023).

Thứ tư - 28/06/2023 22:59

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt 7%/năm

Ngày 16/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 90/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, về kinh tế, Chính phủ đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030.
- Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
- Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6.5%/năm.
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.
- Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển 2 vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TPHCM
- Hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài - TPHCM - Biên Hoà - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
- Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3 - 5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế.
- Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hoá; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trong kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.
Chi tiết tại Nghị quyết 90/NQ-CP năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
  1. Thêm cơ quan có thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu biên giới
Ngày 16/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới, lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới gồm:
(1) Chính phủ: Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. (hiện hành không quy định)
(2) UBND tỉnh biên giới:
- Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và báo cáo Chính phủ quyết định;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường để lập, thẩm định quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Lập, thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);
- Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới.
(3) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện có cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới và báo cáo UBND tỉnh quyết định.
Nghị định 34/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 31/7/2023.
  1. Giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5%/năm từ ngày 19/6/2023
Ngày 16/6/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1123/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng từ ngày 19/6/2023 là:
- Lãi suất tái cấp vốn: 4,5%/năm;
 - Lãi suất tái chiết khấu: 3,0%/năm;
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 5,0%/năm.
(So với Quyết định 950/QĐ-NHNN năm 2023, mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiếc khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều giảm 0,5%/năm.
Theo Quyết định 950/QĐ-NHNN (có hiệu lực đến hết ngày 18/6/2023), mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng như sau:
- Lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm.
- Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm.
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 5,5%/năm.)
Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023, bãi bỏ Quyết định 950/QĐ-NHNN năm 2023./.
  1. Bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao đại học từ 01/12/2023
Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.
Đối với các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học trước ngày 01/12/2023 được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.
Quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 thì các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.
Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.
Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Các loại hình cơ sở giáo dục đại học
Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 thì cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
- Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu;
- Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đại học; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phân lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.
Chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.   Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật.
Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023.

Nguồn tin: Đức Trọng (TH):

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay4,243
  • Tháng hiện tại300,536
  • Tổng lượt truy cập10,496,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây