Chung tay ngăn chặn bạo lực học đường

Thứ ba - 01/11/2016 22:46

 


Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD và ĐT, cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ chín trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn phim học sinh đánh nhau, trong đó có một đoạn dài hơn hai phút ghi lại cảnh một học sinh nam bị một nhóm học sinh đánh hội đồng, thậm chí, còn bị tiểu tiện lên đầu, bị bắt quỳ gối xin lỗi. Cho đến khi có người lớn đi qua, nhóm học sinh mới thôi hành hạ bạn. Đoạn phim khiến nhiều người bức xúc không chỉ vì mức độ bạo lực mà còn vì thái độ thản nhiên, có phần hứng thú khi đánh bạn và cả của người quay phim. Những sự việc tương tự không còn hiếm, thường được chia sẻ trên mạng xã hội và kỳ lạ là nhận được sự tán thưởng của không ít học sinh khác.

Bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng ở tất cả các cấp học, hình thức đa dạng hơn và đặc biệt tính chất nghiêm trọng hơn. Việc đánh nhau hoặc bị “đánh hội đồng” ở lứa tuổi học đường không chỉ gây thương tích, tổn hại về thể chất mà người bị đánh còn tổn thương về tinh thần, tâm lý. Không chỉ ảnh hưởng cá nhân người bị đánh, những đoạn phim bạo lực còn được lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang cho mọi người.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó phải kể đến sự du nhập của nhiều trò chơi điện tử, phim ảnh, sách truyện có xu hướng bạo lực; sự buông lỏng quản lý và nuông chiều con thái quá của nhiều gia đình; sự phát triển tâm - sinh lý chưa ổn định của lứa tuổi học sinh.

Ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường là việc cần làm ngay lúc này, từ nhiều phía, cả nhà trường, gia đình, xã hội và chính bản thân mỗi học sinh. Trước tiên, cần tăng cường vai trò giáo dục cũng như định hướng của nhà trường và gia đình. Nhà trường cần giáo dục tích cực hơn nữa, nhấn mạnh cho học sinh về những tác hại của bạo lực học đường, hướng dẫn các em những kỹ năng ứng xử đúng đắn với bạn bè, thầy cô, gia đình cũng như cộng đồng thông qua các tình huống thực tế, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em; đồng thời, đưa ra những hình thức răn đe và xử phạt đúng mức độ. Ngoài ra, nhà trường cũng cần trao đổi thông tin thường xuyên với gia đình các em học sinh và chính quyền địa phương để nắm tình hình, kịp thời có biện pháp quản lý và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra. Tại mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thêm thời gian trò chuyện với con em mình, không phạt các em bằng những hình thức bạo lực như đánh đập; tỏ thái độ nghiêm khắc và lên án các hành vi bạo lực; đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng cần tạo môi trường lành mạnh, yêu thương, hành xử có văn hóa, không bạo lực để các em noi theo… Bên cạnh đó, cũng cần quản lý tốt việc phát hành các trò chơi điện tử, các ấn phẩm, các loại đồ chơi có xu hướng bạo lực nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ các loại hình này; tăng cường phối hợp, tuyên truyền trong các khu dân cư để phát hiện sớm các mâu thuẫn, các sự việc có nguy cơ xảy ra gây gổ, đánh nhau.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay1,747
  • Tháng hiện tại313,198
  • Tổng lượt truy cập9,829,646
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây