Mấy ngày gần đây, từ người tiêu dùng đến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm trong cả nước tỏ ra hoang mang sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm. Kết quả được quan tâm nhiều nhất là có tới hơn 67% số mẫu khảo sát không đạt chỉ tiêu Arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế.
Nhưng có lẽ sự việc không trở nên “nóng” đến vậy nếu Vinastas công bố đầy đủ kết quả khảo sát được dựa trên phương pháp, cơ sở khoa học và tính minh bạch. Rất nhiều ý kiến cho rằng, dựa trên kết quả khảo sát thiếu tính khoa học, Vinastas vội vã công bố kết quả với hàm lượng Arsen (hay còn gọi là thạch tín) cao là không nên.
Từ xưa đến nay, nước mắm là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa cơm mỗi gia đình người Việt Nam. Do vậy, thông tin nước mắm không đạt chỉ tiêu Arsen đã thật sự gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, gây nhầm lẫn giữa Arsen hữu cơ (độc tính thấp, gần như bằng không) và Arsen vô cơ (rất độc). Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, thực phẩm thì trong cá và các loại thủy, hải sản nói chung, Arsen tồn tại một cách tự nhiên ở cả hai dạng vô cơ và hữu cơ. Arsen dạng vô cơ chiếm rất ít. Còn chủ yếu là Arsen hữu cơ. Thế nên nếu phát hiện ra nước mắm có Arsen hữu cơ là điều hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Những loại nước mắm có hàm lượng Arsen hữu cơ đó gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ngay cả khi có Arsen vô cơ đi nữa, thì còn tùy thuộc vào hàm lượng và liều lượng đưa vào cơ thể. Bởi một người bình thường không thể ăn quá nhiều lượng nước mắm trong một bữa và để bị nhiễm độc, người ta phải ăn với số lượng lớn, hàm lượng cao và trong một thời gian dài liên tục.
Hiện nay, nhiều sản phẩm nước mắm có thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như: Phú Quốc, Phan Thiết… đang được xuất khẩu sang các thị trường có mức độ yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm như: Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc… Riêng thị trường châu Âu, nước mắm Phú Quốc còn được bảo hộ nhãn hiệu rất nghiêm ngặt. Nếu các sản phẩm này chứa Arsen vô cơ thì liệu các thị trường đó có chấp nhận?
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra sau khi Vinastas công bố kết quả khảo sát, từ thẩm quyền công bố thông tin, giá trị của thông tin đến thời điểm công bố thông tin. Các ý kiến đều cho rằng, Vinastas không có thẩm quyền công bố những kết quả kiểm nghiệm liên quan an toàn thực phẩm, mà thẩm quyền công bố thông tin về chất lượng sản phẩm thực phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không là cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Bộ Y tế). Trong vụ việc này, Vinastas muốn công bố thì phải được Bộ Y tế ủy quyền. Đặc biệt, thông tin một kết quả khảo sát về chất lượng sản phẩm thực phẩm trước khi được công bố phải bảo đảm các yếu tố: số lượng mẫu/nhãn hiệu sản phẩm; phương pháp xét nghiệm; cơ sở xét nghiệm. Nhưng quá trình khảo sát của Vinastas đã không thực hiện đủ theo các yếu tố đó.
Người tiêu dùng cả nước cũng như các cơ sở sản xuất nước mắm đang mong chờ báo cáo chính thức của Bộ Y tế về chất lượng nước mắm. Đây được xem như một thông tin chính thức và có trách nhiệm, sáng tỏ những vấn đề liên quan đến chất lượng nước mắm nói chung và hàm lượng, loại Arsen có mặt trong nước mắm nói riêng.
Nguồn tin: baochinhphu.vn