Chung tay phòng, chống dịch bệnh Zika

Thứ hai - 07/11/2016 22:51

 

Sau khi các ca nhiễm vi-rút Zika được ghi nhận xuất hiện rải rác ở một số tỉnh, thành phố thì trong thời gian ngắn, riêng TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 3/11 đã có tới 30 ca nhiễm. Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 36 trường hợp nhiễm vi-rút Zika, trong đó có một cháu bé bốn tháng tuổi (ở Krông Búc, Đác Lắc) đã được Bộ Y tế chính thức xác nhận là trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan vi-rút Zika đầu tiên tại Việt Nam. Do số người nhiễm tăng và có trường hợp mắc chứng đầu nhỏ, Bộ Y tế phải nâng mức cảnh báo về loại dịch bệnh này.
Zika và sốt xuất huyết là hai bệnh đã được ngành y tế cảnh báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, vì hiện nay tại các tỉnh phía nam và miền trung, Tây Nguyên đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, các dịch bệnh mới nổi (Ebola, MERS-CoV, Zika) và bệnh do véc-tơ truyền (sốt xuất huyết, sốt rét) bùng phát, tăng mạnh ở nhiều quốc gia và luôn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Điều đó đòi hỏi không chỉ ngành y tế mà cả cộng đồng phải luôn cảnh giác và chung tay mới có thể ngăn chặn được. Để phòng tránh dịch bệnh do vi-rút, nhất là với Zika và sốt xuất huyết thì biện pháp căn bản vẫn là phòng tránh muỗi đốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, hiện nay, biện pháp phun hóa chất của ngành y tế chỉ có hiệu quả khi mật độ muỗi nhiều và mang tính tạm thời.

Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả thì mỗi người dân, hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi, giảm nơi sinh sản của muỗi không những tại gia đình mà còn ở nơi làm việc. Với vai trò là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật, ngành y tế tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung phòng, chống dịch với phương châm: dự phòng tích cực - chủ động phát hiện - đáp ứng hiệu quả - huy động nguồn lực.

Trong giai đoạn hiện nay, y tế các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động của chiến dịch. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng, chống dịch bệnh. Tham mưu cho chính quyền địa phương tiến hành xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương.

Đi liền với đó là các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong các cuộc họp, hoạt động của hội, đoàn thể, tổ dân phố, sinh hoạt tập thể tại cộng đồng nhằm giúp người dân hiểu, chủ động và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh cho thấy cần tăng cường hệ thống giám sát tại cộng đồng, chủ động lấy mẫu bệnh phẩm của các đối tượng nghi ngờ để xét nghiệm, do người nhiễm vi-rút Zika thường có triệu chứng nhẹ có thể không đến khám và điều trị tại bệnh viện.

Hơn lúc nào hết, UBND các tỉnh, thành phố cũng như chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chuyên môn (y tế) huy động sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các ngành liên quan, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết nói riêng.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
ct muc tieu qg
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập125
  • Hôm nay3,252
  • Tháng hiện tại299,545
  • Tổng lượt truy cập10,495,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây