Để kịp thời cứu chữa người bệnh trong tình trạng cấp cứu và thuận tiện thủ tục khám bệnh diện bảo hiểm y tế (BHYT), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định: “Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám, chữa bệnh (KCB) tại bất kỳ cơ sở KCB nào”. Thông tư 40/2015/TT-BYT hướng dẫn người bệnh cấp cứu tại cơ sở y tế nào cũng đều được coi là đúng tuyến. Vì đúng tuyến, cho nên, người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán toàn bộ chi phí KCB trong phạm vi được hưởng (mức hưởng 100%, 95% hoặc 80% tùy theo từng đối tượng). Nói một cách khác, khi khám cấp cứu, vào ngày làm việc hay ngày nghỉ, giờ hành chính hay ngoài giờ hành chính, người bệnh được quyền chọn cơ sở KCB công lập hoặc tư nhân, ở bất cứ tuyến nào và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT bao gồm tiền khám, tiền giường bệnh (nếu điều trị nội trú), các chi phí xét nghiệm cận lâm sàng, phẫu thuật, thủ thuật, thuốc, vật tư y tế (nếu cần chỉ định cho người bệnh).
Thế nhưng, có tình trạng cơ sở y tế “lách” quy định, chỉ cho người bệnh hưởng một phần quyền lợi, “cắt” chế độ thuốc khi khám cấp cứu. Một bệnh viện tại Hà Nội vừa qua khiến người bệnh bức xúc vì nhiều lần chỉ cho hưởng tiền khám, còn thuốc thì bác sĩ kê đơn yêu cầu mua ngoài. Lý do được bệnh viện này giải thích vì ngày nghỉ hoặc hết giờ hành chính, bộ phận cấp phát thuốc BHYT nghỉ. Từ những giải thích không đúng này, không ít người bệnh đã “mặc định” khám cấp cứu ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ không được cấp thuốc BHYT và băn khoăn về giá trị của thẻ BHYT.
BHXH Việt Nam khẳng định cơ sở y tế không cấp thuốc cho người bệnh cấp cứu vào ngày nghỉ, lễ, ngoài giờ hành chính là không đúng với quy định hiện hành. Mặt khác, trong hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH, cơ sở KCB nào cũng cam kết “bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh BHYT, cung cấp đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện và phạm vi được hưởng của tham gia BHYT". Các loại thuốc của chế độ BHYT có được tại các cơ sở y tế chính là do đề xuất, dự trù của cơ sở y tế đó trên cơ sở nhu cầu điều trị bệnh hằng năm và danh mục thuốc đấu thầu do Bộ Y tế ban hành. Do đó, việc cơ sở y tế để người bệnh phải tự mua thuốc có trong danh mục thuốc đấu thầu là vi phạm hợp đồng KCB BHYT. Một bác sĩ tiết lộ, sở dĩ thuốc BHYT không được cấp ra là để làm lợi cho nhà thuốc của bệnh viện bán thuốc. Trình dược viên của các hãng thuốc hoạt động nhộn nhịp nhất vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ để “mời” bác sĩ kê thuốc của hãng mình.
Để người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi đã được pháp luật quy định, cơ quan BHXH cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại các cơ sở y tế. Bên cạnh việc kiểm tra các đơn vị lạm dụng quỹ, cần giám sát cả những cơ sở y tế chi tiêu không vượt quỹ, bởi vì, rất có thể quyền lợi của người bệnh đã không được chi đúng, đủ như nêu trên. Cơ quan BHXH nên đặt những hòm thư góp ý tại khu vực làm thủ tục KCB BHYT để thu nhận những băn khoăn, thắc mắc của người bệnh, từ đó nhanh chóng chấn chỉnh các vi phạm.
Nguồn tin: baochinhphu.vn