Phú Riềng: Trang thông tin điện tửhttps://phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/phurieng/quochuy.png
Thứ tư - 03/04/2024 14:37
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hiện nay ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, vừa tham gia phát triển sản xuất tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, vừa tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Riềng có 26 HTX nông nghiệp, 20 Tổ hợp tác xã với 565 thành viên và 19 trang trại chăn nuôi đang hoạt động rất hiệu quả. Huyện cũng đã có 10 HXT, Tổ HTX được cấp mã vùng trồng và 22 sản phẩm OCOP (04 HTX, 01 Tổ HTX có sản phẩm OCOP gồm HTX bưởi da xanh Hồng Nịp, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, HXT cây ăn trái Tiến Thịnh, HTX sầu riêng Bình Sơn và Tổ HTX Nông Văn Cảnh). Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, các HTX, Tổ HTX nông nghiệp đã cùng chính quyền địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng chủ lực có lợi thế so của địa phương góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ nâng cao thu nhập cải thiện đời sống thành viên và người lao động. Nhằm giúp tang năng lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, huyện đã phối hợp với các ngành tỉnh mở các lớp tập huấn chuyên sâu, phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp trên cây trồng với 185 lượt nông dân, thành viên HTX tham gia; hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 05 thành viên HTX công trình tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ 06 HTX, 01 Tổ HTX thùng rác chuyên dụng, bảng hiệu tuyên truyền; hỗ trợ 03 HXT dán tem Qrcode quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Các thành viên HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng giống, vật tư, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), nhờ vậy nâng cao giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên một số HTX mới hình thành, phương án sản xuất kinh doanh chưa thật sự hiệu quả nên khó tiếp cận với các nguồn vốn vay; một số sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, khả năng ứng dụng công nghệ, đầu ra cho sản phẩm, các mối liên kết thường không bền vững cũng là vấn đề đặt ra với nhiều HTX nông nghiệp hiện nay. Các doanh nghiệp nông nghiệp đủ năng lực để tham gia đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện không nhiều. Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, nhất là phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, có 35 HTX với 700 thành viên, 5 HTX ứng dụng công nghệ cao. Để có kết quả trên huyện tập trung các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng và phát triển HTX gắn với chuỗi sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường; Lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP. Tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ chức tín dụng Ngân hàng thương mại…. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn liên kết với các HTX; Hướng dẫn các HTX, cá nhân có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho các sản phẩm chủ lực của HTX.