Phú Riềng: Trang thông tin điện tửhttps://phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/phurieng/quochuy.png
Thứ hai - 22/07/2024 14:37
Trong số 18 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2023 có cựu chiến binh Phạm Văn Ngọ (SN 1961), Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Lâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng. Ở cái tuổi 63 tuổi và hơn 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, 5 năm với vai trò Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú Lâm, hình ảnh ông Phạm Văn Ngọ luôn gần gũi, thân thương với mỗi người dân nơi đây. Người làm mặt trận thường có khiếu ăn nói, nhưng bản thân không có ưu điểm này, ông Ngọ đã xây dựng cho mình các yếu tố khác như: hài hòa các mối quan hệ, tự tích lũy, tự học hỏi, tiên phong trong các hoạt động phong trào, đóng góp ở địa phương và đặc biệt, ông còn trau dồi thêm "chữ nhu" để đáp ứng yêu cầu công việc. Ông Ngọ bộc bạch: Tôi có thời gian dài tham gia quân ngũ, nhờ đó tôi rèn được "chữ nhu". Và khi đảm nhận công tác này, tôi biết đây vừa là "ưu" vừa là “khuyết” của mình. “Khuyết” là chưa mạnh dạn phát biểu trước đám đông, nhưng “ưu” chính là tôi chịu khó lắng nghe dân nói, cố gắng giải thích, thuyết phục người dân tham gia các hoạt động, phong trào địa phương phát động. Với người dân ở thôn Phú Lâm, hình ảnh 3 người gồm Trưởng ban Công tác mặt trận, Bí thư chi bộ và Trưởng thôn hằng ngày ngược xuôi khắp đường làng, ngõ xóm để vận động người dân thực hiện các phần việc lớn, nhỏ của thôn, xóm không còn xa lạ. Đi nhiều, hiểu sâu, gần dân, sát dân, tình đoàn kết cứ thế nối dài và trở thành phương châm hành động để Phú Lâm “thay da, đổi thịt”, đặc biệt là chung tay mở rộng đường giao thông nông thôn, hiến đất làm đường. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2022, ông Ngọ cùng Ban công tác mặt trận, Ban điều hành thôn đã vận động nhân dân hơn 280 ngày công lao động để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn; phát quang 4km đường liên thôn; bê tông hóa 358m đường; sửa chữa và mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa, đường điện chiếu sáng trên các tuyến đường trong thôn. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân trong thôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội với nhiều hình thức khác nhau; phối hợp cùng chính quyền xã xây dựng thôn Phú Lâm là 1 trong 2 khu dân cư kiểu mẫu của xã Phú Trung. Bản thân là thương binh hạng 4/4, cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng với tấm lòng nhân đạo, từ năm 2018 đến nay, hàng năm bản thân ông đều tự nguyện trích một tháng lương thương binh để giúp đỡ một cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống vươn lên trong học tập với số tiền là gần 1,3 triệu đồng/năm nhằm tạo điều kiện cho cháu tiếp tục được đến trường. Đồng thời hàng tháng bản thân ông vẫn vận động thêm và đóng góp 1 phần kinh phí của cá nhân để tặng quà cho các gia đình khó khăn trong thôn. Ông Lê Văn Trung, Trưởng thôn Phú Lâm cho biết: Hằng tháng, chi bộ họp và đưa ra nghị quyết thực hiện, trong đó mời các ban, ngành họp để đồng lòng cụ thể các nghị quyết đó. Đến nay, Phú Lâm đã bê tông hóa, nhựa hóa gần hết các tuyến đường, các khoản thu luôn hoàn thành trước ngày 30-4. Có được kết quả đó, vai trò của bác Ngọ rất lớn. Bác vận động rất tích cực. Cách làm của bác cũng hay nên được mọi người tin tưởng. Bên cạnh đó, nhận thức được ý nghĩa của việc Hiến tạng là một nghĩa cử nhân văn giúp những người không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, bản thân tôi đã tự nguyện đăng ký hiến toàn bộ mô, hiến tạng bộ phận cơ thể người và hiến xác khoa học. Đồng thời luôn tuyên truyền đến từng hội viên và nhân dân về ý nghĩa và cử chỉ cao đẹp khi hiến máu, hiến mô, hiến tạng. Tổng số lần tham gia hiến máu tình nguyện là 9 lần. Cựu chiến binh Phạm Văn Ngọ là 1 trong 18 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2023. Đó chính là phần thưởng cao quý nhất mà ông luôn trân trọng và tự hào trong quá trình tham gia công tác xã hội. Mặc dù năm nay bước sang tuổi 63, tuổi an nhàn bên gia đình, con cháu nhưng vì công tác xã hội, ông luôn bận rộn đi khắp địa bàn mình phụ trách tuyên truyền, vận động, góp công sức nhỏ bé của mình trong chặng đường phát triển của quê hương. Có mỏi gối, chùn chân nhưng chính sự động viên, yêu thương của bà con là động lực để ông yêu hơn cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.